bởi quản trị viên | Ngày đăng: 19-04-2022
Tối ngày 15/04/2022, Khoa Xuất bản, Phát hành đã phối hợp với Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm thứ nhất (dưới hình thức trực tuyến) nằm trong chương trình tọa đàm trực tuyến " Văn hóa đọc- Cơ hội, thách thức và những kiến nghị” gồm 2 buổi ngày 15/04 và 22/04, nhằm chào mừng ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất (21/04/2022). Mục đích chính của chương trình tọa đàm là hướng đến việc tìm tiếng nói chung nhất của những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản xung quanh những thách thức, cơ hội và kiến nghị nhằm phát triển văn hoá đọc cộng đồng, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ngành xuất bản.
Chủ trì chương trình tọa đàm là Ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và ThS .Thái Thu Hoài – Phó trưởng khoa Xuất bản, Phát hành – Đại học Văn hóa Tp.HCM.
Tham dự buổi tọa đàm thứ nhất lần này, về phía khách mời có sự tham dự của:
Ông Nguyễn Nguyên- Cục trưởng Cục Xuất Bản, In và Phát hành
Ông Nguyễn Thành Nam - Tổng biên tập NXB Trẻ
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh -giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội
PGS. TS Hoàng Thị Tuyết- nguyên giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM
Các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm, các diễn giả quan tâm đến Văn hóa đọc và các phóng viên báo Nhân Dân, báo Thanh Niên, đài truyền hình VTV, HTV…
Về phía trường Đại học Văn hóa Tp.HCM có sự tham dự của :
TS.Lê Thị Thanh Thủy- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Tp.HCM
PGS.TS Đỗ Ngọc Anh -nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Tp.HCM.
Các thầy cô Khoa Xuất bản, Phát hành; Khoa Thông tin, Thư viện và Khoa Văn hóa học
Gần 100 sinh viên khoa Xuất bản, Phát hành của các khóa.
Toàn cảnh buổi tọa đàm lần thứ 1 lúc 20 giờ ngày 15/04/2022.
Mở đầu phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, TS.Lê Thị Thanh Thủy -Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM đã giới thiệu về Khoa Xuất bản, Phát hành, vốn tiền thân là Khoa Phát hành, là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu, tư vấn về xuất bản - kinh doanh xuất bản phẩm của khu vực phía Nam và buổi tọa đàm này là một sự phối hợp của đại diện cơ sở đào tạo trong lĩnh vực Xuất bản- Khoa Xuất bản, Phát hành với cơ quan nghề nghiệp chuyên môn –Hội Xuất bản Việt Nam (Văn phòng phía Nam) nhằm tạo ra những buổi trao đổi mang tính nghề nghiệp, hướng đến phát triển văn hoá đọc cộng đồng, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ngành xuất bản.
Sau phần khai mạc , Ông Lê Hoàng đã có những phần trình bày khá thú vị về khái niệm văn hóa đọc, thực trạng thị trường sách Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2019 (không kể 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid).
Tiếp lời ông Lê Hoàng, Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng biên tập NXB Trẻ cũng cho biết các số liệu từ năm 2014 đến 2019 phản ánh đúng xu hướng phát triển của ngành Xuất bản.
Đến nội dung trình bày về việc so sánh giữa thói quen đọc sách và hoạt động xuất bản giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, Ông Lê Hoàng đã thực hiện phép so sánh trong năm 2017, Việt Nam xuất bản 30 ngàn tựa sách so với Malaysia là 17 ngàn tựa sách và Thái Lan là 14 ngàn tựa sách nhưng khi so sánh về doanh thu bán sách/ đầu người thì lại thua 2 quốc gia trên đến 4-5 lần.
Nói về những cản trở chính dẫn đến tình trạng ít đọc sách của người Việt, diễn giả Lê Hoàng cho rằng nguyên do đến từ thiếu những tiết đọc sách cho trong thời gian biểu của nhà trường; thiếu sự quan tâm, phát triển thói quen đọc cho trẻ của phụ huynh học sinh và các NXB, công ty sách chưa thực sự quan tâm đến công tác thị trường, các biện pháp phát triển văn hóa đọc.
Đồng quan điểm với diễn giả Lê Hoàng, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết để cải thiện hiện trạng ít đọc sách của người Việt thì cần rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Tiếp tục phần thuyết trình của mình, ông Lê Hoàng đã trình bày các chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động ngành Xuất bản và phát triển văn hóa đọc, đồng thời gợi ý những kiến nghị của bản thân ông về những giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất bản và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.
Do đã hơn 22 giờ tối nên buổi tọa đàm phải tạm dừng sau khi nhận được phần đóng góp ý kiến của cô Kim Nhung chuyên viên thư viện chia sẻ về cơ sở xây dựng và kết quả của Dự án Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc Tiểu học và CEO Nguyễn Kim Thoa, Giám đốc Nhà Sách Tân Việt chia sẻ về thực tế giải pháp đưa sách vào nhà trường của công ty.
Kết thúc buổi tọa đàm thứ nhất, ThS. Thái Thu Hoài cảm ơn diễn giả Lê Hoàng đã tâm huyết dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu về ngành để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy tăng trưởng của ngành Xuất bản và hẹn đến buổi tọa đàm thứ hai vào lúc 20 giờ ngày 22/04/2022 sẽ dành nhiều thời gian hơn cho phần tranh luận các giải pháp đẩy mạnh hoạt động Xuất bản và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc của các chuyên gia, diễn giả đến từ các nhà xuất bản, các doanh nghiệp kinh doanh sách và các trường đại học trên cả nước.
Tin : N.Thanh