bởi quản trị viên | Ngày đăng: 16-08-2021
Theo điều 4 Luật Giá năm 2012 có giải thích cụm từ "hàng hoá, dịch vụ thiết yếu" là những hàng hoá, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu. Hiện nay cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa "hàng hoá, dịch vụ thiết yếu" trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội nên phần lớn vấn đề này đều do các địa phương tự quy định. Trong khi đó, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách, thực hiện Chỉ thị 16. Đến nay, chỉ có công văn số 2601/2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16, nêu một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Dựa trên hướng dẫn này, từng địa phương dựa theo tình hình kinh tế xã hội, đặc thù sẽ ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết được phép kinh doanh, sản xuất…
Vậy sách có được xem là hàng hoá thiết yếu hay không?
Sách luôn được xem là món ăn không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của con người, sách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm hồn khơi nguồn tri thức, góp phần trong việc xây dựng và phát triển nhân cách con người trong xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh đã bùng phát khắp cả nước và biện pháp giãn cách đang được áp dụng hiện nay thì nhu cầu về sách phải được đặt trong bối cảnh mới, cách tiếp cận mới:
Thứ nhất, sách góp phần giải tỏa tâm lý căng thẳng trong tình hình dịch bệnh. Đây là nhu cầu hết sức cần thiết để góp phần ổn định tâm lý người dân, kéo họ ra khỏi sự lo lắng của những tin tức không chính thống, những tin tức gây cảm giác tiêu cực, gây căng thẳng tâm lý, hoang mang tinh thần dẫn đến việc mất phương hướng.
Thứ hai, sách sẽ góp phần vào thời lượng sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình trong thời gian giãn cách. Sách giúp giữ chân người dân ở nhà, góp phần thực hiện giãn cách xã hội tốt hơn.
Thứ ba, trong khi cộng đồng đang bị hút sự quan tâm đến dịch bệnh, xao lãng và làm gián đoạn tri thức xã hội, tri thức khoa học thì sách đóng vai trò kết nối, đánh thức đam mê tìm hiểu, từ đó làm động lực chuẩn bị cho những hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội khi trở lại cuộc sống bình thường, góp phần vào việc xây dựng và phát triển xã hội tốt hơn sau đại dịch.
Thực tế hiện nay, những loại sách, mảng sách cần thiết hiện nay người dân có nhu cầu cao rất đó là: Sách phục vụ cho học tập, sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo. Sách y học thường thức, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cộng đồng và chăm sóc sức khỏe tại nhà, sách về chế độ dinh dưỡng. Sách văn hoc, nghệ thuật thể loại tâm lý lứa tuổi. Các thể loại sách giải trí, văn học nghệ thuật, truyện ngắn. Các thể loại sách thiếu nhi,…
Như vậy, rõ ràng rằng sách là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân, là mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận sách là hàng hoá thiết yếu trong mùa dịch.
Giữa đại dịch, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn kiên định sách là mặt hàng thiết yếu, là liều thuốc tinh thần quí giá giúp người dân của họ vượt qua dịch bệnh, hoạt động kinh doanh sách trực tuyến vẫn được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện một cách tối đa.
Bỉ là quốc gia châu Âu đưa sách vào danh mục hàng hoá thiết yếu từ rất sớm. Quốc gia này vẫn duy trì việc mở các nhà sách và ưu tiên vận chuyển sách trong đại dịch. Ở Anh thì việc kinh doanh sách trực tuyến hay giao hàng thì vẫn được Chính phủ tạo điều kiện tối đa. Đức là quốc gia vẫn duy trì việc bán hàng vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Còn Italy thì đã chấp thuận đề nghị của các Nhà xuất bản, các đơn vị phát hành cùng các Hiệp hội Thư viện đưa sách vào danh mục hàng hoá thiết yếu. Pháp là quốc gia đứng đầu về số lượng giải Nobel văn học cũng có nhiều điều chỉnh để đưa sách vào danh mục hàng hoá thiết yếu.
Một số nước khác như Mỹ, Mexico, Đan Mạch, Hy Lạp hay Tây Ban Nha, tình hình kinh doanh sách vẫn còn tùy thuộc vào mức độ phong tỏa của từng quốc gia. Tuy nhiên, nếu các nhà sách dù phải đóng cửa thì hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn được chính phủ của các quốc gia này khuyến khích và tạo điều kiện.
Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc duy trì việc mở cửa các nhà sách nếu đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch. Tại Trung Quốc và Singapore, hầu hết các đơn đơn vị kinh doanh sách đều chuyển qua kinh doanh trực tuyến. Việc tiêu thụ sách trong thời điểm dịch bệnh tại các quốc gia này vẫn được chú ý và tạo điều kiện tối đa.
Giải pháp nào cho Việt Nam trong tình hình hiện nay?
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thêm 1 tháng nữa kể từ ngày 15.08.2021. Như vậy, TP.HCM liên tục giãn cách xã hội ở nhiều cấp độ khác nhau từ 31.05 đến nay, nếu kéo dài đến 15.09 thì người dân thành phố trải qua 3,5 tháng giãn cách xã hội. Rất nhiều các tỉnh, thành khác trong cả nước cũng đã và đang thực hiện việc giãn cách tuỳ theo tình hình. Trong thời gian này, thực tế là nhu cầu mua sách của người dân theo thông tin của các đơn vị kinh doanh sách là tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên, sách vẫn không đến được tay người dân do sách không được xem là hàng hoá thiết yếu. Các nhà sách thì đóng cửa, kinh doanh online thì thiếu nguồn cung hàng hoá, đặc biệt khó khăn trong khâu vận chuyển, giao nhận. Vì vậy, việc đưa sách vào danh mục hàng thiết yếu, kinh doanh sách được xem là dịch vụ thiết yếu là một việc rất cần thiết hiện nay. Theo đó, sách được lưu thông đến tay người dân theo các cách thức như sau:
1. Cho phép các nhà sách được thiết lập hệ thống cung ứng sách trực tiếp và trực tuyến trên nguyên tắc thiết lập “Đường dây xanh” riêng của hệ thống các nhà sách, độc lập với các mặt hàng khác. Đường dây cung ứng sách xanh, an toàn chịu sự kiểm soát an toàn dịch qua việc kiểm tra bằng thẻ xanh cho nhân viên, thẻ xanh cho sách và cung ứng sách đúng quy định giãn cách.
2. Nếu được, nên thiết lập mạng lưới cung ứng "sách xanh” (sách sạch) cho các chốt bảo vệ như một nhà sách lưu động phục vụ cộng đồng dân cư trong khu vực giãn cách. Sách trao đổi sẽ được khử khuẩn theo đúng quy cách của y tế trước khi chuyển giao người sử dụng, đảm bảo tốt các nguyên tắc chống dịch.
Thiết nghĩ tại Việt Nam, chúng ta cần phải đặt sách vào đúng vị trí, thấy được tầm quan trọng của sách, là món ăn tinh thần không thể thiếu từ đó để có các chính sách thích hợp trong điều kiện mới, nhằm đảm bảo đời sống tinh thần của người dân trong tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay.
ThS.GVC Thái Thu Hoài