Trong những năm qua, Khoa Du lịch – Trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh luôn chú trọng đào tạo theo định hướng ứng dụng, kết hợp giữa lý thuyết và thực tế nghề. Từ ngày 20/07 đến ngày 26/07/2020, Khoa Du lịch đã tổ chức cho 223 sinh viên ĐHDL Khóa 12 thuộc hai chuyên ngành: Hướng dẫn Du lịch và Quản trị Lữ hành tham gia chuyến đi thực tế Tây Nguyên (Đak Nông – Đaklak – Gia Lai – Kontum – Lâm Đồng) trong thời gian 7 ngày 6 đêm. Đây là học phần thực tế tổng hợp sau khi đã học xong các môn: Nghiệp vụ HDDL, Tuyến điểm du lịch, Hoạt náo… Sinh viên tham gia học phần thực tế sẽ thực hành những kỹ năng tổ chức, thực hiện một chương trình du lịch giống như một hướng dẫn viên thực sự, một nhà quản trị lữ hành trong tương lai.
Với sự hướng dẫn chuyên môn từ giảng viên Khoa Du lịch và các hướng dẫn viên trên tour, các bạn sinh viên được yêu cầu chuẩn bị bài thuyết minh về các chuyên đề văn hoá - lịch sử - xã hội - du lịch trên tuyến du lịch Tp. Hồ Chí Minh – Đông Nam Bộ - Tây Nguyên. Sinh viên được phân công thực hành thuyết minh trên tuyến và tại điểm, tổ chức thực hiện chương trình du lịch; xây dựng hệ thống cung ứng du lịch để phục vụ công tác hướng dẫn khách du lịch; xử lý tình huống trên tour…
Chương trình tham quan và học tập tại các điểm du lịch tiêu biểu như: Thác Draysap, Chùa Minh Thành, Biển Hồ Tơ Nưng, Nhà máy thủy điện Ialy, KDL Buôn Đôn, Bảo tàng Đak Lak, Chùa Sắc tứ Khải Đoan, Làng cà phê Trung Nguyên, Nhà thờ gỗ Konklor, Giao lưu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với đồng bào K’Ho, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Dinh Bảo Đại, Núi Langbiang, đồi chè Cầu Đất,.... Xen kẽ giữa việc học tập và thực hành là việc tham gia các trò chơi, bài hát đã tạo không khí vui nhộn trên xe, khiến quá trình học thực tế luôn vui vẻ, náo nhiệt, giúp gắn kết các thành viên với nhau. Hơn thế nữa, chuyến thực tế này cũng là lần đầu tiên sinh viên chuyên ngành Quản trị lữ hành được trải nghiệm chương trình riêng biệt, những điểm liên quan đến công việc của mình sau này như: mô hình quản trị khách sạn Hoàng Anh Gia Lai (4 sao), khách sạn LaDaLat (5 sao), Làng du lịch Buôn Cô Thôn, KDL Buôn Đôn, Buôn Kotam…Từ đó sinh viên sẽ hiểu hơn về các loại hình dịch vụ, hệ thống các đơn vị cung ứng trong du lịch.
Chương trình thực tế Tây Nguyên đã giúp các bạn sinh viên của hai chuyên ngành có thể so sánh, đối chiếu giữa những gì được học trên giảng đường và thực tế, hơn thế nữa các bạn còn hiểu thêm được sự nghiêm túc, tính chuyên nghiệp, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng và thái độ là những yếu tố không thể thiếu trong ngành du lịch. Qua đợt học tập này còn là cơ hội giúp các bạn sinh viên gắn kết hơn với nhau, cùng nhau lưu giữ những kỹ niệm đẹp của sinh viên ngành du lịch.
Tin bài: Ths. Đỗ Quốc Giang – Giảng viên Khoa Du lịch