Trên thế giới, chuyển đổi số đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp xuất bản phát triển như Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada...Điều này càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi dịch bệnh Covid 19 xuất hiện, làm gián đoạn phương thức kinh doanh truyền thống với sách giấy tại cửa hàng. Khoảng thời gian giãn cách xã hội là lúc nhu cầu về sách gia tăng, nhưng xảy ra sự bất cân xứng giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng khi các cửa hàng phải đóng cửa và việc vận tải hàng hoá bị hạn chế. Trước thực tế đó, các nhà xuất bản, tập đoàn xuất bản đã tập trung phát triển mảng sách điện tử, audio book, sách thực tế ảo....những loại sách có thể phân phối đến tay độc giả thông qua ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng và thuận tiện, trong bất cứ thời gian nào, ở bất cứ không gian nào. Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà xuất bản Hoa Kỳ, trong 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ sách điện tử tăng 20,4% và sách nói tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2020. Ở thị trường Đức - trung tâm sách của thế giới - trong năm 2020 lượng sách điện tử tăng 16,2% và sách nói tăng 24,5% so với năm 2019.
Ở Việt Nam, việc số hoá các ấn phẩm để lưu trữ bắt đầu thực hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chuyển đổi số gắn với mục đích thương mại chưa được quan tâm mạnh mẽ và đồng đều ở các nhà xuất bản và đơn vị kinh doanh một phần do nhu cầu độc giả về sách giấy vẫn chiếm ưu thế. Tính đến cuối năm 2020, mới có 10 nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản điện tử và số lượng đơn vị kinh doanh AudioBook còn khá khiêm tốn. Những thách thức bất ngờ của dịch bệnh Covid 19 đã khiến cho hoạt động xuất bản phải nhanh chóng thay đổi. Khởi đầu là việc chuyển đổi hình thức tổ chức hội chợ sách trực tiếp sang trực tuyến với quy mô lớn trên sàn book365. Cùng với đó là việc gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng qua các trang thương mại điện tử đối với sách giấy. Mặc dù vậy, nhiều đợt giãn cách liên tục ở các thành phố lớn nước ta thời gian qua đã khiến cho hoạt động của các nhà sách cũng như việc phân phối, vận chuyển sách giấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, thời điểm bắt đầu năm học mới, nhưng sách giáo khoa, giáo trình chưa thể đưa đến tay người học gây khó khăn cho việc dạy và học của thầy cô giáo và học sinh, sinh viên. Trong những hoàn cảnh như vậy, ấn phẩm được số hoá chính là giải pháp hữu hiệu kết nối cung cầu về xuất bản phẩm trong bối cảnh hiện nay. Độc giả có thể tiếp cận đến sách thông qua các thiết bị như máy đọc sách, điện thoại, máy vi tính, ipad....mà không cần đi đến nhà sách, cũng không cần chờ giao hàng tận nơi, chỉ cần ngồi tại nhà và kết nối internet. Đối với nhiều người đã quen với việc đọc sách giấy, đây chỉ là một giải pháp tình thế. Song đối với phần lớn độc giả trẻ, sách điện tử và sách nói rất tiện dụng. Nhìn về tương lai, ấn phẩm số hoá sẽ dần khẳng định vị trí trên thị trường xuất bản phẩm khi mà đối tượng khách hàng tiềm năng của nó không ngừng mở rộng. Dữ liệu thống kê từ Digital cho thấy, tính đến tháng 1 năm 2021, ở nước ta hiện nay, có khoảng 68,720 triệu người sử dụng Internet chiếm tỷ lệ 70,3% dân số. Nghiên cứu khác của WeAre Social, thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút trong đó dành khoảng 2 giờ 21 phút cho mạng xã hội. Đặc biệt, những người trẻ tuổi có tỷ lệ sử dụng, thời gian sử dụng internet nhiều hơn mức trung bình. Đây là nhóm khách hàng trọng điểm của thị trường xuất bản phẩm. Họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng ấn phẩm số hoá. Do đó, việc chuyển đổi số để khai thác nhu cầu của nhóm khách hàng này là rất cần thiết, là hướng đi tương lai của các đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm. Theo đại diện của công ty WeWe, đơn vị quản lý ứng dụng sách nói Voiz FM, nhiều khách hàng của công ty là các bạn trẻ, sẵn lòng mua sách nói có bản quyền. Điều đó cho thấy, nếu các đơn vị kinh doanh nắm bắt đúng nhu cầu của khách hàng, họ hoàn toàn có thể tận dụng sự phát triển công nghệ để gia tăng thời gian đọc sách, nghe sách của khách hàng, góp phần thúc đẩy văn hoá đọc.
Dịch bệnh là một cú sốc rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong đó có hoạt động xuất bản. Từ việc bị dồn tới tận cùng của sự khó khăn, ngành xuất bản đã chủ động tìm ra lối đi, tuy không quá mới nhưng nó đã trở nên thực sự rõ ràng và đó là con đường phù hợp nhất hiện nay. Đó cũng chính là tương lai của ngành xuất bản khi công nghệ hỗ trợ cho chuyển đổi số đã sẵn sàng và tiềm năng của thị trường này ngày càng mở rộng. Trong thách thức, có cơ hội. Dịch bệnh đã và sẽ làm thay đổi toàn diện hoạt động xuất bản.
ThS. Trần Thị Quyên