bởi quản trị viên | Ngày đăng: 15-03-2021
Chương trình dù đã kết thúc lâu, Tết cũng đã qua, nhưng chuyến đi trao quà thiện nguyện sau chương trình nghệ thuật “Giữa lòng miền Trung” với tôi là một hành trình đặc biệt, đầy cảm xúc ở miền đất Quảng Trị…và sẽ không bao giờ quên.
Niềm vui của các em và giáo viên trường Mầm Non Triệu An khi nhận được quà của Nhà tài trợ
Do tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp nên những dự định để BTC cùng Giảng viên chủ nhiệm và Lãnh đạo Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật về trao quà tại Quảng Trị đã không thực hiện được. Thay vào đó Tôi được ủy quyền thực hiện chuyến đi này…
Ngày 05/02/2021 là một ngày NẮNG nhẹ và cũng là ngày đầu tiên của chuyến đi thiện nguyện này. Tôi, Nguyễn Thị Cẩm Nhung – Trưởng BTC của chương trình “Giữa lòng miền Trung” đã bắt đầu chuyến đi về trường mầm non Triệu An để trao tặng món quà Tết và 35 triệu đồng tiền mặt đến trường. Tôi đã được gặp gỡ các cô giáo ở đây, được chào đón bằng những cái ôm ấm áp, những nụ cười và sự hạnh phúc. Ngay lúc đó tôi thật sự cảm động, những người phụ nữ này thật mạnh mẽ vì đã bảo vệ ngôi trường này trước BÃO LŨ một cách kiên cường và luôn tích cực với những khó khăn mà tưởng chừng “chân yếu tay mềm” thì không thể nào làm được. Chỉ tiếc là hôm tôi về đến đây thì các em học sinh đã được nghỉ Tết và tôi quyết định sẽ trở lại trường vào một ngày khác để có thể thăm các em học sinh tại ngôi trường này.
Các cô giáo trường Mầm non Triệu An chống bão lũ
Tặng quà, tiền cho Trường và thư cám ơn của Cô Hàn Thị Ninh, Hiệu trưởng Trường mầm non Triệu An gửi cho Chương trình
Ngoài việc quyên góp ủng hộ cho trường mầm non Triệu An, thầy chủ nhiệm Hoàng Duẩn và BTC chương trình đã cùng thống nhất trao tặng thêm đến 3 gia đình có chiến sĩ hy sinh trong trận sạt lở tại đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bao gồm: Gia đình Liệt sĩ Lê Thế Linh (Đông Hà, Quảng Trị), gia đình Liệt sĩ Lê Tuấn Anh (Cam Lộ, Quảng Trị), gia đình Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên (Hướng Sơn, Quảng Trị) mỗi gia đình 7 triệu đồng tiền mặt và quà.
Đến ngày hôm sau tôi quyết định lái xe máy đến Thành Phố Đông Hà để thăm gia đình liệt sĩ Lê Thế Linh. Bằng những thông tin ít ỏi của mình tôi đã đi xe 30 phút và tìm kiếm nhà gần một tiếng đồng hồ thì mới tìm đến được nhà anh. Đến nhà tôi gặp em trai của anh Lê Thế Linh, và sau đó gặp được bố và mẹ anh. Mẹ anh mời tôi vào nhà với đôi mắt rưng rưng, tôi vội thắp nén nhang cho anh thì mới biết anh trai của anh cũng mới mất vì tai nạn giao thông và mất trước hôm đó ít ngày. Chìm đắm trong những mất mát của gia đình, tôi được nghe những chia sẻ từ bố và mẹ chiến sĩ Lê Thế Linh, mẹ anh nói “1 năm mất 2 đứa con, đau lòng lắm con ơi”. Nghe đến đây thôi tôi cũng nghẹn ngào chỉ biết động viên gia đình và mong muốn rằng món quà mà Giữa lòng miền Trung mang lại sẽ góp phần nào đó làm giảm đi những mất mát của gia đình.
Hình ảnh tại gia đình liệt sĩ Lê Thế Linh
Rời gia đình Liệt sĩ Lê Thế Linh lòng tôi nặng trĩu những suy nghĩ, thầm cám ơn công sức của tập thể lớp và đóng góp quí báu nhà tài trợ, đặc biệt là thầy cô giảng viên. Sau đó tôi quyết định di chuyển đến nhà của gia đình Liệt sĩ Lê Tuấn Anh tại huyện Cam Lộ, Quảng Trị, bởi dù món quà nhỏ nhưng nếu đến được với gia đình trước Tết sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn. Lúc đó đã gần 12 giờ trưa, mọi người cũng đã nghỉ trưa nên việc hỏi đường của tôi cũng trở nên khó khăn hơn. Cả quảng đường dài tôi gặp được khoảng 5 người nhưng chỉ là người đi đường nên không biết đến. Đột nhiên không hiểu tại sao tôi không đi tiếp nữa và quay xe lại, nhìn phía bên tay trái có một con hẻm và tôi quyết định rẽ vào đó để xem có ai để hỏi đường không. Cả con đường hẻm đó tôi chỉ gặp được một người phụ nữ duy nhất và …đó lại chính là mẹ của Liệt sĩ Lê Tuấn Anh. Người bạn đi cùng tôi liên tục hỏi tôi “Tại sao lại rẻ vào đường này hay vậy?”. Tôi chỉ biết cười và thầm nghĩ “Chắc là anh chỉ đường cho tôi”.
Hình ảnh tại gia đình liệt sĩ Lê Tuấn Anh
Sau khi thắp nhang và trao quà xong tôi ngồi lại trò chuyện cùng bố mẹ anh thì được biết anh là một trong những chiến sĩ nấu ăn ngon, ngoài ra còn có năng khiếu về sân khấu nên được rất nhiều người yêu mến. Khi bố mẹ anh lên thăm anh trước khi gặp nạn được mọi người khen ngợi tài năng của anh khi thực hiện nhiệm vụ tại Đoàn 337. Bố mẹ của chiến sĩ rất tự hào về anh vì luôn nghĩ cho gia đình, rất ngoan ngoãn và yêu thương bố mẹ…nhưng rồi trận sạt lỡ đất kinh hoàng đã cướp đi cuộc sống của anh và những đồng đội.
Chuyến đi này vẫn chưa kết thúc, mỗi đêm đến tôi đều suy nghĩ về hành trình đến thăm gia đình Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên. Con đường đến nhà anh không hề dễ dàng vì nó nằm ở vùng sâu vùng xa của huyện Hướng Hóa, từ trung tâm về đến nha anh hơn 100 km với địa hình đồi núi, hiểm trở. Liên tiếp những ngày trước Tết trời Quảng Trị đổ mưa. Những tin nhắn, những cuộc điện thoại của thầy giáo chủ nhiệm từ TP.HCM, cũng như hình ảnh về một gia đình Liệt sĩ tận trong vùng đồng bào dân tộc trong những khoản thời gian đặc biệt trước Tết… đã thôi thúc tôi quyết định hoàn thành nhiệm vụ của mình.
HÌnh ảnh khán giả trong chương trình nghệ thuật "Giữa lòng miền Trung"
Và tôi đã quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của ba mình để có thể đưa tôi đến đó. Ngày 8 tháng 2 tôi đã cùng ba tôi thực hiện chuyến đi, hôm đó là một ngày MƯA PHÙN, trời rất lạnh, chặng đường đi rất dài và những nơi sạt lở trước đây vẫn đang được sửa chữa. Tôi và ba đã quyết định đến Đoàn Kinh tế- Quốc Phòng 337 để trao tặng quà Tết và thắp hương cho các liệt sĩ trước. Tôi và ba đã được chứng kiến những gì mà trận sạt lở để lại cho Đơn vị, nơi mà các Liệt sĩ không may đã hy sinh thật sự rất kinh hoàng đến nỗi sởn cả gai óc…
Để tìm được đến nhà Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên tôi không thể nào dựa vào những thông tin chưa đầy đủ trên mạng nên tôi đã nhờ Đơn vị hỗ trợ để có thể tìm kiếm gia đình anh sớm hơn. Tôi đã may mắn có được số điện thoại của anh trai Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên. Đường lên nhà anh khá khó đi vì có những con dốc rất cao, tôi còn sợ rằng chiếc xe tải của ba không thể đi vào đó nhưng may mắn có rất nhiều người dân chỉ đường và tôi cũng nhanh chóng tìm được nhà anh sau đó và được anh trai anh đón vào nhà.
Nhà anh nằm tại bản RaLi, nhà anh cũng khá đông vui khi mọi thành viên trong gia đình đều ở gần nhau, bước vào nhà được ngồi uống chén chè nóng bởi ba anh pha cũng thấy ngon và ấm áp hẳn. Gió ở đây rất mạnh mang áo ấm mà tôi vẫn cứ co ro mãi. Ba tôi hỏi ba Liệt sĩ rằng: Ở đây buổi tối chắc lạnh lắm phải không chú?. Ba Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên trả lời: Đúng rồi, buổi tối GIÓ RÉT ngủ không được con ơi!
Hình ảnh tại gia đình liệt sĩ Hồ Văn Nguyên
Tôi cũng có cơ hội nói chuyện với anh trai anh, mặc dù là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng anh kể rất nhiều chuyện cho tôi rất lưu loát và dễ nghe. Anh nói anh được đi học nhưng vì muốn đóng góp, giúp đỡ cho địa phương nên sau khi học xong anh đã ở lại đây. Anh kể rằng em trai thứ nhất của anh đã đi nghĩa vụ xong, đến lượt em trai thứ hai đi thì anh cũng động viên rất nhiều nhưng không may gặp nạn, vào sáng hôm đó anh được tin chạy ra đơn vị thì dọc đường cũng có nhiều chỗ sạt lở, người dân phải chặt cây lấp chỗ sạt lở để người nhà có thể ra đơn vị. Sau đó lực lượng tìm kiếm các Liệt sĩ rất đông, anh đã hỗ trợ chỗ ở cho mọi người và anh cũng thấy tự hào vì những điều mà anh có thể làm trong hoàn cảnh đó. Câu chuyện về sự hy sinh của Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên, chuyện về sự chung tay đóng góp, giúp đỡ lần nhau của mọi người trong trận sạt lỡ đất kinh hoàng ấy cứ thế mà kéo dài…
Cứ vậy tôi và ba ngồi uống chén trà ấm và nói chuyện rất lâu. Đến lúc trời sắp tối đen tôi và ba phải chia tay gia đình để về. Đi ra khỏi thôn Rali trời cũng đã tối và mưa phùn cứ kéo theo. Tạm khép lại chuyến đi dài.
Tôi lại trở về phụ giúp gia đình như mọi người và đón một cái Tết đong đầy cảm xúc. Tôi chỉ tiếc rằng nếu không có dịch Covid xảy ra tôi sẽ được thực hiện chuyến đi cùng thầy chủ nhiệm Hoàng Duẩn, thầy Nguyễn Hữu Vĩnh Khương, thầy Trịnh Đăng Khoa và một số thầy cô và các bạn khác, những người đã tâm huyết cùng chương trình “Giữa lòng miền Trung”. Nếu như vậy tôi sẽ có thể mời mọi người “nếm trải”, cảm nhận những “mùi vị” tuy khắc nghiệt nhưng đáng nhớ của thời tiết nơi Quảng Trị quê tôi.
Sau một kì nghỉ dài, tôi cũng gần trở lại TP.HCM để học tập và sinh sống nhưng tôi muốn trở lại trường mầm non Triệu An để có thể thăm các em học sinh tại ngôi trường này. Tôi và cô Hiệu trưởng trường mầm non Triệu An đã lên kế hoạch tổ chức một buổi giao lưu cùng các em vào ngày 1 tháng 3 năm 2021. Tuy rằng thời gian chuẩn bị rất gấp rút vỏn vẹn 3 ngày nhưng nhờ sự phối hợp từ phía nhà trường đặc biệt là các cô giáo đang công tác tại trường mầm non Triệu An đã chuẩn bị rất chỉnh chu buổi giao lưu đó. Tôi còn may mắn nhận được sự giúp đỡ của Photographer Hiệu Văn-Là người đã đồng hành cùng chương trình “Giữa lòng Miền Trung” từ những ngày đầu đã ghi lại những hình ảnh trong buổi giao lưu ngày hôm đó. Ngoài ra còn có những người con Quảng Trị đang học tập tại trường Đại học Văn hóa TP.HCM cùng góp phần giao lưu văn nghệ trong buổi giao lưu là chị Minh Nguyệt-lớp ĐHQLVH 12.3, em Diễm Quỳnh sinh viên lớp 19DLH2. Ngoài ra có những người bạn của tôi tại Quảng Trị đã giúp đỡ và hỗ trợ tôi rất nhiều trong các chuyến đi như Linh San-cựu sinh viên khoa Truyền Thông trường Đại học Văn hóa TP.HCM, bạn Nam Nhi, bạn Mỹ Linh.
Buổi giao lưu đã diễn ra thành công trong một ngày NẮNG cuối xuân như một dấu chấm tuyệt đẹp cho sự kết thúc của chương trình “Giữa lòng miền Trung”.
Xin cám ơn Thầy, Cô, các nhà tài trợ, cám ơn tập thể lớp Đại học Quản lý văn hóa 13.3 và các anh chị, các bạn sinh viên đã cùng nhau tạo nên một chương trình ý nghĩa.
Trở lại trường Đại học văn hóa TP.HCM để tiếp tục một học kỳ mới, chúng tôi mong ước được cùng các bạn sẽ lại có những chương trình nhân văn để đóng góp cho cộng đồng, và qua đó tích lũy những bài học ý nghĩa cho quảng đời sinh viên của mình.
Bài cảm nhận: Nguyễn Thị Cẩm Nhung
Hình ảnh: Cẩm Nhung và các bạn
Mời đọc thêm tin bài liên quan về chương trình “giữa lòng miền Trung”
//bimblog.net/%E2%80%98giua-long-mien-trung%E2%80%99-tam-long-vang-danh-cho-dong-bao-mien-trung-cua-sinh-vien-van-hoa.html
//bimblog.net/%E2%80%9Cgiua-long-mien-trung%E2%80%9D-mang-nang-ve-mien-trung-bao-lu.html
//sandien24h.vn/tin-tuc/giua-long-mien-trung-xuc-dong-va-nhan-ai-post991419599.html
//bimblog.net/%E2%80%9Cgiua-long-mien-trung%E2%80%9D-xuc-dong-va-nhan-ai.html
//bimblog.net/%E2%80%9Cgiua-long-mien-trung%E2%80%9D-va-nhung-khoanh-khac-dang-nho.html
//www.sggp.org.vn/sinh-vien-huong-den-cong-dong-700108.html