Một lần nữa, chúng tôi trở lại Bình Thuận với muôn vàn điều khác lạ. Vẫn là chuyến hành trình xuôi về văn hóa của mình, với hai môn học “Điền dã dân tộc học” và “Tổ chức phát triển cộng đồng” do cô Cao Nguyễn Ngọc Anh giảng dạy. Nhóm chúng tôi quyết định chọn Bình Thuận là địa điểm đi thực địa để thu thập thông tin liên quan đến đề tài “Tính bản sắc trong làng nghề gốm Gọ tại thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận”.
Mỗi chuyến đi thực tế không chỉ để hoàn thành bài tiểu luận, mà với chúng tôi đó là một hành trình trải nghiệm văn hóa và lĩnh hội tri thức, có những điều dường như tôi chẳng bao giờ được đọc trong sách hay khác hẳn với những gì tôi được học trên lý thuyết. Chúng tôi được những người dân ở nơi đây kể về nghề làm gốm bằng chính sự hiểu biết và trải nghiệm lâu đời của cả cộng đồng, tri thức dân gian, phong tục tập quán và những biến đổi văn hóa của cộng đồng người Chăm ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Qua chuyến đi điền dã tại cộng đồng, chúng tôi có thêm những kiến thức về làng nghề gốm Gọ từ lịch sử, qui trình sản xuất, bản sắc văn hóa của cộng đồng. Ngày nay, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, làng nghề thủ công truyền thống nói chung và nghề gốm Gọ nói riêng đứng trước nhiều thách thức, thế nhưng chúng tôi thấy rằng bằng lòng yêu nghề, quyết tâm giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc mình, các nghệ nhân làng nghề cũng như cư dân địa phương vẫn duy trì và phát triển làng nghề này.
Những ngày về Bình Thuận là những ngày nắng “cháy da người” và cũng là những ngày mưa “mỏi mòn chờ tạnh”. Thời tiết nắng mưa đột ngột và có phần gắt gao hơn Sài Gòn đã làm ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của các thành viên trong nhóm, thế nhưng thời gian ở cộng đồng không nhiều nên chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành các phần công việc thu thập thông tin để thực hiện đề tài khi về Sài Gòn. Chúng tôi dò hỏi những người dân trong làng, men theo đường đan nhỏ rồi vòng vèo qua mấy con đường đất nhỏ xíu, đến với một bãi đất trống lúc nào cũng nghi ngút khói lửa của lò nung. Những người dân chở những cần xé sản phẩm gốm, củi ra lò nung, quần áo xộc xệch, ai cũng bịt kín mít bởi cái nóng rát của nắng lửa. Bắt đầu nung, họ lần lượt chất củi theo tầng và các hàng sản phẩm gốm lên, cái nào chín thì họ dùng cây lấy ra rồi rắc nước vỏ đào lên để tạo ra hoa văn riêng biệt của gốm Gọ. Sau những lần quan sát tham dự và phỏng vấn chính quyền địa phương cũng như người dân, tôi càng thấu hiểu hơn những khó khăn trong việc duy trì làng nghề gốm Gọ, thế nhưng bằng sự yêu nghề và lòng quyết tâm, họ vẫn giữ và bám trụ với nghề. Ban đầu, với tôi đây chỉ là một chuyến đi thực tế phục vụ cho bài tiểu luận cuối kỳ của nhóm, thế nhưng sau một thời gian gắn bó với cộng đồng, tôi dường như đã thực sự yêu mến con người, mảnh đất nơi đây và cả công việc nghiên cứu.
Chuyến thực tế kết thúc, nhóm chúng tôi nhận được thông tin nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Nhìn lại những sản phẩm gốm Gọ chắn chắn, đẹp đẽ và có tính ứng dụng rất cao trong đời sống, tôi thật sự rất mong rằng nó sẽ có cơ hội được đi xa và phát triển rộng rãi. Cùng với đó là hình ảnh cần mẫn, chăm chỉ của những người nghệ nhân luôn tâm huyết với nghề truyền thống, rồi tất cả sẽ được đền đáp bằng những điều tuyệt vời nhất. Những sản phẩm thủ công từ bàn tay khéo léo sẽ không ngừng vươn xa, những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi trên khắp mọi miền đất nước và thế giới.
Phan Bảo Ngọc- Lớp ĐH.VHH14