bởi quản trị viên | Ngày đăng: 11-10-2019
Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện như hiện nay. Việc tạo dựng được một hệ thống bảo hộ SHTT mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, truyền thông về SHTT trong nhà trường. Sáng ngày 11/10/2019, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Đoàn cán bộ Cục sở hữu trí tuệ và các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khu vực phía Nam về vấn đề SHTT.
Toàn cảnh buổn làm việc sáng 11/10.
Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS. Lâm Nhân - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã giới thiệu tổng quan về Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh như một lời chào thân thiện mà nhà trường dành cho Đoàn cán bộ Cục sở hữu trí tuệ và đại biểu khách mời đại diện cho các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khu vực phía Nam nhân dịp ghé thăm và làm việc với nhà trường.
PGS.TS. Lâm Nhân - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện cho các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khu vực phía Nam đã trình bày những thuận lợi, khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện SHTT tại đơn vị. Bên cạnh đó, các đại biểu còn mạnh dạn đề xuất ý kiến, kiến nghị đến Cục sở hữu trí tuệ các vấn đề liên quan đến việc thực hiện SHTT như: Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn hoặc chính quy cho các đối tượng cán bộ làm việc trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; các bảo tàng; các thư viện,…; Tổ chức các hội thảo về thực hiện SHTT; Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về SHTT,…
Bà Huỳnh Thị Ngọc Vân – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện tốt SHTT, trong đó có giải pháp “Xây dựng kênh thông tin riêng về SHTT trên các website của các trường, các cơ sở bảo tàng, thư viện và trên các tạp chí khoa học chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật…”
Theo TS. Trương Đức Cường, Phó Hiệu trưởng - Phụ trách Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai cho rằng: “Để nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, truyền thông về SHTT trong nhà trường, thời gian tới các trường trường văn hóa, nghệ thuật cần đưa nội dung SHTT vào giảng dạy trong chương trình đào tạo chính quy, nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng về SHTT khi sáng tác, sử dụng và truyền bá các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật do giảng viên và học viên, sinh viên sáng tạo nên…”
Đoàn cán bộ Cục sở hữu trí tuệ và đại biểu khách mời đại diện cho các tổ chức văn hóa, nghệ thuật khu vực phía Nam xem phim giới thiệu Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn cán bộ Cục sở hữu trí tuệ đã lắng nghe và có những phản hồi, tiếp thu tất cả các ý kiến được nêu ra tại buổi làm việc, đồng thời cũng đưa ra những định hướng cho việc thực hiện SHTT cho các đơn vị trong thời gian tới.
Thay mặt BGH nhà trường, PGS.TS. Lâm Nhân nhận số tiền 30.000.000đ từ Bà Huỳnh Thị Ngọc Vân – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh để làm học bổng cho sinh viên.
Nhân dịp này, Bà Huỳnh Thị Ngọc Vân – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, đại diện cho gia đình ông Huỳnh Văn Bá và bà Nguyễn Thị Xinh đã trao tặng cho nhà trường 30.000.000 đ làm học bổng cho sinh viên. Đây là việc làm thiện nguyện đáng trân trọng, giúp cho nhà trường có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ học bổng cho các em học viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi theo học tại trường. Thay mặt BGH nhà trường, PGS.TS. Lâm Nhân đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Bà Huỳnh Thị Ngọc Vân và gia đình về việc làm ý nghĩa và nhân văn dành cho học viên, sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh./.
Tin và ảnh: Hoàng Hải
BBT Website Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh