bởi quản trị viên | Ngày đăng: 19-08-2020
(VHSO) - Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã đến Việt Nam sản xuất, kinh doanh. Trên bình diện cả nước, sự phát triển các khu công nghiệp đã tạo ra một động lực mới cho quá trình tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nước ta theo hướng CNH, HĐH. Trong quá trình này, đội ngũ công nhân lao động của các khu công nghiệp đã đóng góp quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế của các tỉnh có khu công nghiệp và trong cả nước, nhưng bản thân họ lại đang có các vấn đề văn hoá xã hội bức xúc, nếu không được giải quyết không những sẽ tác động ngược đến quá trình tăng trưởng kinh tế chung, đến sự phát triển của các doanh nghiệp mà còn trực tiếp tác động đến chất lượng đội ngũ công nhân, sự ổn định xã hội, đời sống văn hoá tinh thần chung của toàn xã hội.
Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học “Tiêu dùng văn hóa trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp”.
Nhằm thu thập những đánh giá, nhận định của các nhà khoa học, nhà quản lý về vấn đề tiêu dùng văn hóa của công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời để có cái nhìn đa chiều, đa diện cho vấn đề trên. Sáng ngày 19/8/2020, Tại Phòng Hội thảo Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Hội thảo Khoa học “Tiêu dùng văn hóa trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, do TS. Lê Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm.
TS. Lê Thanh Thủy - Chủ nhiệm đề tài báo cáo đề dẫn Hội thảo sáng 19/8.
Hội thảo khoa học “Tiêu dùng văn hóa trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp” đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa quan tâm và tham gia. Với hơn 40 bài tham luận được gửi đến, cùng nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng trực tiếp tại Hội thảo sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu quý giá để nhóm thực hiện đề tài có thêm cơ sở cho việc nghiên cứu một đề tài mới mang tính thời sự này.
TS. Nguyễn Thị Kim Liên - Học viện Chính trị khu vực II trình bày tham luận "Phác thảo một số mô hình nghiên cứu và đánh giá hành vi tiêu dùng sản phẩm, văn hóa của công nhân tại TP. Hồ Chí Minh".
Hội thảo sáng ngày 19/8 gồm 2 phiên: Phiên thứ nhất với chủ đề “Những vấn đề có tính chất lý luận chung về hoạt động tiêu dùng văn hoá của công nhân” gồm các nội dung: Các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng văn hoá của công nhân; Các đặc điểm và những biểu hiện cụ thể về hoạt động tiêu dùng văn hóa của công nhân ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Các tiêu chí đánh giá hành vi tiêu dùng văn hoá của công nhân ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu về hoạt động tiêu dùng văn hóa của công nhân. Phiên thứ hai với chủ đề “Những vấn đề có tính chất thực tiễn về hoạt động tiêu dùng văn hoá của công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” gồm các nội dung: Thực trạng và xu hướng tiêu dùng văn hóa của công nhân tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở TP. Hồ Chí Minh; Vai trò của Cơ quan nhà nước và các tổ chức văn hoá - xã hội với vấn đề phát triển hoạt động tiêu dùng văn hóa cho công nhân tại TP. Hồ Chí Minh; Các giải pháp thúc đẩy hoạt động tiêu dùng văn hoá của công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.Hồ Chí Minh; Kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức và quản lý hoạt động tiêu dùng văn hóa của công nhân ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Lê Thanh Vũ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận "Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP. Hồ Chí Minh đơn vị đồng hành với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đời sống văn hóa của công nhân thành phố".
Kết quả của Hội thảo hôm nay giúp cho nhóm nghiên cứu có thể nhận định rõ hơn về tính chất lý thuyết và thực tiễn của vấn đề tiêu dùng văn hóa của công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đó đưa ra các giải pháp và kiến nghị trong công trình nghiên cứu, nhằm giúp các nhà quản lý, các nhà xây dựng chính sách nắm rõ thực tiễn, góp phần xây dựng các mô hình thiết chế văn hoá phục vụ các cư dân khu công nghiệp, xây dựng cơ chế và chính sách, nhân lực; loại hình hoạt động; quản lý nhà nước về văn hoá tại các khu công nghiệp.
Ban Tổ chức Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu tham dự.
Tin và ảnh: Hoàng Hải.
BBT Website Trường Đại học văn hóa TP. HCM.