(DHVH-HCM) Năm 1935, sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, gây tiếng vang lớn bởi công trình Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên, bấy giờ vừa tròn ba mươi tuổi, quyết định trở về Việt Nam làm việc. Lúc đầu ông dạy Sử-Địa ở trường Bưởi, sau đó, từ tháng 8 năm 1938, ông được Toàn quyền Đông Dương điều sang làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFFEO).
Trong tư cách “thành viên khoa học” ngang hàng với các học giả người Pháp, Nguyễn Văn Huyên bắt đầu cho công bố những tiểu luận nghiên cứu về phong tục, văn hóa văn minh Việt Nam trên nhiều tạp chí uy tín lúc bấy giờ. Viết bằng tiếng Pháp, những tiểu luận này, trước hết, là cách trò chuyện không thể thú vị và hấp dẫn hơn giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp, những người cũng đang mong muốn và thậm chí, đầy tham vọng tìm hiểu Việt Nam kĩ càng. Trong trọng tâm quan sát của mình, Nguyễn Văn Huyên đặc biệt chú ý đến lễ-tết-hội, tín ngưỡng và tâm thức tôn giáo trong xã hội truyền thống. Lần lượt giới thiệu và bằng lối viết dân tộc chí hấp dẫn, thấm đẫm cảm xúc và hứng thú của người trong cuộc, Nguyễn Văn Huyên đem đến những mô tả rõ ràng, sinh động về Tết nguyên Đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, lễ hội Phù Đổng, Tục thờ cúng thần tiên, Tục thờ cúng thành hoàng làng…
Tiểu luận Tết Nguyên Đán của người Việt Nam được đăng trên tạp chí Đông Dương (Indochine) số 75&76, tháng 8 năm 1941. Có thể coi đây là một giới thiệu đầy đủ, hấp dẫn và tuyệt đẹp về Tết Nguyên đán của Việt Nam. Từ quan sát chung, như một nhà quay phim, Nguyễn Văn Huyên đi theo trình tự thời gian, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cho đến những ngày đầu năm mới, để thu nhận tất cả mọi diễn biến, công việc, tâm trạng của con người khi đón Tết. Tết, như thế, không chỉ là một dịp để nghỉ ngơi, hoan hỉ mà còn là sự kiện xã hội có chức năng kết nối nhân tâm, khích lệ mỗi người dân sống một cách hài hòa với tự nhiên và lễ nghĩa với anh em, tông tộc, xóm giềng. Trong bài viết, Nguyễn Văn Huyên chủ ý nhắc đến khá nhiều tục lệ mang màu sắc Việt Nam, đặc biệt là truyền thống trọng chữ, quý trẻ con, chuộng thú chơi tao nhã của người bình dân.
Huc.bimblog.net trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này như một cách để chào mừng năm mới – Xuân Mậu Tuất 2018.
--
Tết hay ngày đầu năm của vùng châu Á chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa là một ngày lễ mà mọi người Việt Nam đều cử hành vô cùng trọng thể, với một sự nhất trí đáng cảm động. Ta biết rằng, ở nước ta, cũng như ở nước Trung Quốc láng giềng, việc phân chia thời gian dựa trên sự vận hành của mặt trăng. Mỗi tháng bắt đầu vào một ngày của tuần trăng mới. Và năm cũng khởi đầu vào tuần trăng mới đầu tiên tiếp theo lúc mặt trời ra khỏi chí tuyến Nam, dấu hiệu sau cùng của ba dấu hiệu mùa đông. Như vậy, Tết vừa theo sự vận hành của cả mặt trời lẫn mặt trăng. Nó mở đầu mùa xuân và, như vậy, bao giờ cũng rơi vào giữa hạ tuần tháng Giêng dương lịch và trung tuần tháng Hai dương lịch. Năm nay, Tết vào ngày 15 tháng Hai dương lịch.
Người ta đặt tên cho lễ này là tiết Nguyên đán, “những buổi rạng đông của sự khởi đầu”. Ngày này là lúc khởi đầu của năm, tháng và mùa. Nó đứng đầu chuỗi nhịp điệu các thời kỳ. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất. Nó là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng âm lịch tiếp theo. Và tất cả các cử chỉ ta làm trong những giờ đầu tiên này đều có hiệu lực của một đạo bùa quý báu. Xưa kia, người ta thổi ống tiêu để đoán tính chất điều kiện khí hậu trong năm; người ta uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử khí; người ta đốt vàng mã để xua đuổi hiểm họa binh đao; người ta giặt quần áo để tránh mọi tật bệnh và sự khốn khó, v.v... Trong các công sở, người ta cất triện vào hòm khóa, và sự giải quyết việc công được ngừng ngay từ hôm 25 tháng Chạp, và chỉ tiếp tục lại một cách long trọng vào ngày 25 tháng Giêng âm lịch năm mới.
Dù thế nào đi nữa, nếu không phải tất cả các truyền thống cổ đều còn được tôn trọng, thì trong dịp lễ này, từ Bắc chí Nam, cả nước đều hoan hỉ. Chẳng biến cố nào của thế giới bên ngoài có thể cướp đi ở kẻ nghèo nhất cũng như người giàu nhất niềm vui trong lòng này và sự thỏa mãn được ăn Tết một cách xứng đáng trước bàn thờ thần linh trong nhà hoặc giữa những người cùng xứ sở. Dân thành thị cố gắng làm ngơ để quên đi những điều phiền toái mà các bức điện từ nước ngoài đưa đến, và ăn tết thảnh thơi khỏi mọi lo toan trước mắt. Nhà nông, với đời sống hàng ngày vất vả cơ cực, chẳng biết gì đến nghỉ ngơi hàng tuần, ngừng mọi công việc vào ngày đầu năm. Cả nước bị cuốn hút vào một tình cảm nhất trí bởi một sức mạnh vô hình đến nỗi đức vua vĩ đại Quang Trung, vào năm 1789 nổi tiếng ấy, để tập kích bất ngờ quân nhà Thanh đóng ở Thăng Long vào giữa những ngày lễ hội truyền thống, đã phải cho binh sĩ mình ăn Tết trước mấy ngày, trước khi tiến quân đánh chiếm lại xứ Bắc. Mặt khác, bên cạnh nét lịch sử thường được nhắc lại này, còn biết bao tấn kịch mà ta không thể kể ra để xác định vị trí quan trọng của ngày lễ này trong ý thức dân gian. Không ngày lễ nào của phương Tây có thể sánh với ngày lễ đó. Một sinh viên Việt Nam ở Pháp, trong diễn từ của anh ở buổi khiêu vũ truyền thống nhân ngày Tết, đã so sánh nó với ngày Thiên chúa giáng sinh, ngày đầu năm dương lịch, ngày lễ Phục sinh và ngày 14 tháng Bảy gộp lại. Nhưng ngay dù anh ta có kể ra tất cả các lễ công cộng khác của phương Tây, anh ta cũng không khiến được cho các bạn Pháp, dù rất muốn biết các truyền thống của phương Đông xa xôi, có được một ý niệm nhỏ về niềm vui nhất trí này.
Chính vì ngày Tết mở ra một cuộc sống mới cho mọi cá nhân ở xứ sở mà tình cảm về sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ giữa trật tự thiên nhiên với trật tự con người là yếu tố cơ bản của mọi tín ngưỡng dân gian, và ở đấy cuộc sống hoàn toàn nông dân được tổ chức theo nhịp điệu “hai mươi bốn thì” theo lịch định, thì việc chuyển sang ngày mở đầu một chu kỳ các tuần trăng được coi một cách chính đáng như một sự kiện hàng đầu. Mọi người đều hoan hỉ vì đã sống những thời gian trôi qua, và long trọng chuẩn bị bước vào thời kỳ đang mở ra. Bản thân Hoàng đế cũng phải đánh dấu, bằng những nghi lễ được quy định cẩn thận, sự kiện tạo cho ngài một năm mới để thực hiện thiên mệnh của mình.
Về thực tế, việc chuẩn bị cho Tết bắt đầu ngay hôm sau ngày cúng Thần Bếp, ngày 23 tháng Chạp. Hôm đó, Táo Quân, thần trông coi đời sống của gia đình mà ngài che chở và giám sát, lên Trời để tâu trình tỉ mỉ với Thượng đế về cách ăn ở của mọi người trong gia đình năm qua. Thần Bếp, Táo Quân, thường hay bị lẫn với Thổ Công hay Thổ Địa, là thần đất trong nhà, bản thân thần này là lệ thuộc của thần Thành hoàng, tức thần đất của làng, và thần Xã tắc là vị thần vua, hiện thân của đất nước. Đôi khi, ý thức dân gian tìm cách phân biệt những thần này, nhưng sự phân biệt này luôn luôn rất mơ hồ. Dù sao khi người ta phân biệt được các thần đó, thì Thổ Công được trình bày trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo Quân là một bộ ba gồm một thần nữ có hai thần nam kèm bên. Tuy nhiên, người ta thường công nhận rằng Thổ Công được gộp trong bộ ba đó, gồm Thổ Kỳ, Thổ Địa và Thổ Công, theo lời dạy của các nhà nho. Các vị này được tiêu biểu bằng ba hòn gạch xếp thành cái kiềng đun bếp: hòn thứ nhất tiêu biểu cho đất nói chung, hòn thứ hai là đất trong nhà, và hòn thứ ba là thần bếp.
Bên cạnh việc thờ tổ tiên, những thần này chiếm trong đời sống gia đình một vị trí quan trọng đến nỗi óc tưởng tượng dân gian đã cung cấp cho nền văn học dân gian cổ của chúng ta một truyền thuyết cảm động. Truyện kể rằng, “ngày xưa có đôi vợ chồng. Người chồng tên là Trọng Cao và vợ là Thị Nhi. Sau nhiều năm lấy nhau, vì không thể có con, tính tình họ trở nên hay cáu gắt, và hai người luôn luôn cãi cọ nhau. Một hôm, người chồng nổi nóng đến mức đánh đập vợ. Người vợ tức khắc bỏ nhà trốn đi.
“Lúc nằm nghỉ gần một ngã tư đường sau khi đã đi bộ lâu ngày, nàng nom thấy một người đàn ông đi qua có bộ mặt dễ thương: đấy là Phạm Lang đi cày trở về. Nàng đi theo người đàn ông đó, chàng chú ý đến nàng, thế là nàng trở thành vợ người đàn ông.
“Nhiều năm trôi qua, trong khi đó, Trọng Cao, người chồng trước của Thị Nhi, bị nỗi bất hạnh đeo đuổi, đã lần lượt nếm trải mọi nỗi cơ hàn, và phải đi ăn xin khắp các nẻo đường. Một hôm, sau khi lang thang dưới trời nắng mà chẳng gặp ngôi nhà nào, Trọng Cao, vô cùng mệt mỏi và đói lả, ngã xuống trước cửa nhà Thị Nhi. Nàng nhận ra người chồng cũ, nhưng chàng chẳng nhận ra nàng. Nàng mời anh vào nhà và cho chàng ăn uống. Người đàn ông khốn khổ đói đến nỗi ăn uống quá nhiều, thế là say rượu ngã lăn ra đất. Thị Nhi, trong khi đợi chồng về, và vì không muốn để hai người giáp mặt nhau, bèn cho khiêng Trọng Cao vào một đống rơm ở giữa đồng, và sai giấu kín anh ở đó.
“Chẳng mấy chốc sau đấy, Phạm Lang về và, trước khi đi nằm, chàng nghĩ đến việc đốt đống rơm để sáng mai rắc tro lên thửa ruộng lúa mà chàng phải cày. Chàng bèn ra khỏi nhà và châm lửa vào đống rơm có Trọng Cao ngủ trong đó. Lúc nàng Thị Nhi đáng thương thấy ánh lửa của đám cháy chạy ra, trông thấy đống lửa có người chồng cũ bị cháy trong đó, nàng hiểu rằng mình là nguyên nhân vụ ngộ sát và, để tự trừng phạt, nàng lao vào ngọn lửa. Phạm Lang, yêu vợ tha thiết, nhảy theo nàng. Cả hai đều chết. Trong lúc ấy, chợt người đầy tớ đến nơi. Nom thấy ông chủ và bà chủ chân tay co quắp trong đống lửa hồng, người đầy tớ trung thành không muốn sống nữa, lao đầu vào ngọn lửa chết theo ông bà chủ”.
Truyền thuyết về Thổ Công chẳng phải ở nơi nào cũng như nhau. Nó hơi khác dưới dạng kể của người Trung Quốc. “Ngày xưa có đôi vợ chồng chia tay nhau ít lâu sau khi kết hôn, vì chồng nghiện rượu và cờ bạc hư hỏng. Chẳng bao lâu, người vợ liền tái hôn với một chàng thợ săn. Một hôm, trong khi người chồng mới đi săn, nàng gặp chồng cũ và mời anh ta vào nhà uống trà. Trong lúc đó, chàng thợ săn trở về với một con cáo đã giết được. Người khách chỉ kịp ẩn mình vào một đống rơm, nhưng chính đó lại là đống rơm mà chàng thợ săn đốt để thui con mồi. Ngồi trong đó, và không dám động đậy, anh chồng cũ bị nướng chín. Người vợ, thất vọng vì đã vô tình gây nên cái chết của người đàn ông khốn khổ, bèn nhảy vào lửa, và chàng thợ săn vốn yêu vợ tha thiết liền lao vào theo. Cảnh bất hạnh làm chết một lúc ba người này làm người đầy tớ xúc động đến nỗi anh nhảy vào giữa đám lửa và cũng chết ở đó”.
Như vậy, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, tấn bi kịch kết thúc giống nhau: trong cùng một ngày, bốn con người trung hậu đã chết một cách khủng khiếp. Thượng đế, xúc động sâu sắc vì tinh thần hỉ xả đó, bèn giao cho họ trông nom bếp núc của tất cả các gia đình trên thế gian và đánh giá mọi hành vi của con người. Chính là để tưởng nhớ tấn bi kịch gia đình này mà người ta đặt tên cho hai hòn đá đặt hai bên là ông, nhắc lại hai người chồng, và hòn đá đặt phía trước là Bà, hiện thân cho người vợ. Còn về viên cuội đặt trên than để không cho nó cháy quá nhanh tên là hòn lộc, thì nó tiêu biểu cho người đày tớ trung thành.
Các Thần Bếp này lên trời ngày 23 tháng Chạp. Mọi người tìm cách lấy lòng các vị đó bằng cách cúng các vị một bữa cỗ lớn. Người ta đốt cho các thần những chiếc mũ tuyệt đẹp trang điểm hoa sặc sỡ, nhiều thoi vàng và bạc bằng hàng mã. Người ta thả xuống con sông gần nhất những con cá chép dùng làm ngựa cho các thần đó cưỡi trên chặng đường mây dài từ đất lên trời. Chuyến đi lên trời này được nhiều người quan tâm. Bằng những đồ cúng hậu hĩ và bằng lời cầu khấn, họ tìm cách làm vừa ý những vị thần mang sớ tâu trình hàng năm về các hành động tốt và xấu của người trần. Ở mọi thời đại, chuyến đi đó cũng gây cảm hứng cho một nền văn học châm biếm phong phú về những sự ác độc của con người trong năm, dưới dạng thơ và phú làm vui thích các độc giả thuộc mọi lứa tuổi.
Cuộc khởi hành của các Thần Bếp phát tín hiệu cho mọi người chuẩn bị Tết. Ai cũng tìm cách bán tất cả các hàng hóa họ có thể bán để trang trải dứt khoát các khoản nợ. Vì cũng cần phải thanh toán, trước giờ cuối của năm, các nợ nần, nếu không thì bọn chủ nợ cho vay nặng lãi sẽ phái đến nhà anh lũ “nặc nô” cả trai lẫn gái, để quát tháo và ở lì nhiều ngày. Lũ này chuyên nghề chửi bới và làm những hành động ác ý nhằm buộc anh bán hay cầm cố tất cả những gì anh có để thanh toán công nợ.
Bởi thế, tháng Chạp âm lịch là thời kỳ hoạt động kinh tế khẩn trương. Việc mua bán phát triển một cách lạ thường ở tất cả các chợ trong nước. Nếu như trong năm, người ta có rất ít nhu cầu thừa, và nếu như người ta chỉ ăn một suất ít ỏi, thường dưới mức tối thiểu mà cơ thể đòi hỏi, thì trong ngày Tết, người ta cố gắng để ăn no nê hơn bình thường. Hơn nữa, đấy là thời kỳ trao đổi quà biếu: kẻ dưới biếu xén người trên, ông lớn ban cho kẻ thuộc hạ, người ngang hàng gửi cho nhau kẹo mứt; ai nấy đều coi là vinh dự việc chi tiêu hào phóng và biếu xén bạn bè thân thích cái để “ăn Tết” và cúng tổ tiên cho tươm tất.
Phố phường có dáng vẻ rất nhộn nhịp và rất đẹp mắt. Góc nhỏ nhất cũng bị những người bán hoa, cây xanh, tranh dân gian, thực phẩm v.v... chiếm mất. Người ta tranh nhau trả giá cao nhất củ thủy tiên nở bông hoa đầu tiên đúng trong đêm giao thừa, cái cây trĩu quả đỏ, cành đào hoặc hải đường với vô số nụ hồng hay đỏ, v.v... Bên trong mỗi ngôi nhà cần phải có bầu không khí nhuốm màu sắc rực rỡ là biểu tượng của hạnh phúc, điềm báo trước những sự kiện tốt lành, và những lá bùa có thể xua đuổi ma quỷ cùng các ảnh hưởng độc hại. Những cành đào, biểu tượng của sức sống và trường thọ được bán đến 25 và 30 đồng.
Các ông đồ nghèo, trong mười ngày trước Tết, thuê góc các mặt cửa hàng hay vỉa hè trước đó, hoặc góc một phố, để bán những băng giấy đỏ đôi khi rắc phấn vàng hay bạc, những tấm biển trang trí hoa mà trên đó họ viết những câu đối hay những bức hoành phi nói đến năm đang bắt đầu, đến mùa xuân đang mở ra, đến gia đình hoặc chí hướng của người chủ. Họ cũng thường viết trên mảnh giấy người ta đưa để lấy một khoản tiền nhỏ. Nếu trong năm, trong gia đình có người chết, thì người ta dùng giấy màu vàng hay xanh.
Hiệu lực thần kỳ được thừa nhận ở các màu sắc và ngôn từ thúc đẩy mọi hạng người chi tiền để treo lên cửa ra vào, xà nhà và các bức tường trơ trụi của nhà họ những băng giấy dài và đẹp này, tạo vẻ ngoạn mục cho thành phố vào thời kỳ xuân mới. Cả hiện nay nữa, mặc dầu việc dạy chữ Hán đã bị bỏ, ngay tại Hà Nội là nơi ảnh hưởng phương Tây chiếm ưu thế, dọc các đường phố lớn dẫn đến chợ Đồng Xuân, ta vẫn luôn luôn thấy, giống như xưa kia, những ông đồ nghèo khốn khổ run rẩy trong tấm áo bông dài, ngồi xổm trên chiếu, đang bán những chữ Hán cuối cùng của họ, những chữ mà đối với nhiều người đã trở nên câm lặng, không nói lên một điều gì nữa.
Giai thoại sau đây minh họa cho truyền thống văn hóa cổ kính đã phát triển rất cao ngay từ thế kỷ XV. Vua Lê Thánh Tông nhà Lê, trước hôm Tết, đã vi hành vào các phố của kinh đô lúc sẩm tối để đánh giá các câu đối dán trên cửa các nhà dân. Vua thấy cửa nhà một bà bán nước chè nghèo khó bên đường không có câu đối. Vua hỏi thì biết rằng chồng bà làm phu khiêng kiệu. Ngài đưa tiền cho bà, bảo bà đi mua giấy đỏ và mượn bút lông và mực. Rồi vua bắt đầu viết đôi câu đối sau đây mà chữ nghĩa đều lấy từ kinh điển, rồi bảo bà đem dán lên cửa:
Tam nhân đồng hành tất hữu ngã;
Thiên lý nhi lại diệc lợi ngô.
(Ba người cùng đi tất trong đó có tôi;
Những người từ ngàn dặm tới, chắc chắn điều đó lợi cho tôi).
Câu thứ nhất tả người chồng với người phu cùng khiêng kiệu đang khiêng người ngồi kiệu. Câu thứ hai ám chỉ người vợ bán nước chè cho khách qua đường.
Rồi ông vua lỗi lạc ra đi mà không bảo mình là ai. Đi thêm vài bước, vua thấy một ngôi nhà khác có vẻ nghèo khổ và xem ra chẳng chuẩn bị tết nhất gì cả. Vào nhà, vua thấy một người làm nghề hót phân, chẳng có gì để trang trí cửa nhà. Lê Thánh Tông đặt một thoi bạc vào tay người đàn ông khốn khổ. Một lát sau, người này mang giấy mực về. Nhà vua bèn viết đôi câu đối trở thành nổi tiếng này:
Đội nhất nhung y đởm thế gian chi nan sự;
Trì tam xích kiếm thu thiên hạ chi nhân tâm.
(Khoác chiến bào, ta lo toan những việc khó trên đời;
Cầm ba thước gươm, ta thu (vào tay) tấm lòng của mọi người trong thiên hạ).
Đôi câu đối này, trong khi ám chỉ người hót phân làm cái nghề kinh tởm nhất trên đời, nhưng làm vui lòng mọi người bằng cách dùng chiếc gậy dài dọn đi tất cả những gì bẩn thỉu trên đường phố, đã biểu hiện ở tác giả tình cảm thầm kín của một người lãnh thiên mệnh chịu trách nhiệm và cuộc sống của một đế chế. Sáng hôm sau, một vị đại thần đọc đôi câu đối này, liền vào cung tâu vua trị tội kẻ khi quân. Thánh Tông mỉm cười nhận tội về mình.
Bên cạnh những câu đối này, người ta còn dán lên cửa những mảnh giấy điều đơn giản hình chữ nhật, và dán lên các cánh cửa chính hình vẽ các ông thần có bộ mặt gớm ghiếc xua đuổi lũ ma quỷ tai ác hại người, những vị thần vẻ mặt hiền từ cầm hoa quả tượng trưng cho sự giàu có và vinh hiển, những tranh lợn hoặc tranh gà mẹ có vô số gà con xung quanh, mang đến cho gia đình điềm báo trước một sự phồn thịnh hiếm có và đông con cháu.
Trong khi người chủ gia đình lo viết hay thuê viết những câu đối tạo cho ngôi nhà một không khí thật sự của ngày lễ lớn, thì đầy tớ cùng thanh niên lau dọn toàn bộ nhà cửa sạch sẽ. Người ta cho rửa đồ thờ bằng gỗ, đánh bóng lại đồ thờ bằng đồng hay thiếc. Người ta cho thay tro của bát hương, cắm nến mới vào cây đèn nến, lau chỗ trong cùng của cây nến, rửa bài vị bằng nước rễ cây thơm, v.v... Trong bếp, người ta thay các viên gạch dùng làm kiềng và vứt xuống con sông gần đó.
Ở các nhà giàu, người ta lấy ra những đồ thêu được cất cẩn thận suốt năm để phủ lên mặt trước các bàn và các rầm chính của ngôi nhà, các gối dựa, nệm và chiếu cạp vải điều để trải lên sập, ghế bành và tràng kỷ.
Đàn bà đi chợ sắm sửa mọi thứ: thịt, cá, quả, rau...; vì trong ba ngày tết, chợ búa và cửa hàng đều đóng cửa, ít nhất là ở nông thôn, và mọi ngành nghề đều nghỉ việc. Người ta kho mắm hay kho tương những nồi thức ăn truyền thống như cá, thịt bò và thịt lợn béo. Người ta muối hành hay dưa trước một tháng. Người ta mua hoặc gói lấy những chiếc bánh chưng vuông vức theo hình quả đất được quan niệm là vuông, gồm một lớp ngoài gạo nếp dày, bên trong có đỗ giã nhỏ bọc những miếng thịt lợn mỡ.
Tất cả những sự chuẩn bị lâu dài và tỉ mỉ này kết thúc bằng việc dựng cây nêu. Đây là một cây tre dài năm sáu mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm. Cây nêu được làm như vậy chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình những người đang sống. Bằng ánh sáng và bằng gai của các cành cây của nó mang, bằng âm thanh mà các vật đất sét phát ra lúc gió thổi, cây nêu làm sợ hãi ma quỷ, chúng tưởng mình đang đứng trước nhà một vị thần hay một đức Phật. Để chống lại những hồn lang thang đáng sợ đó, người ta còn buộc vào cây nêu một tấm phên nhỏ gồm bốn nan dọc đan vào năm nan ngang, là thứ bùa nổi tiếng của các thầy phù thủy.
Người ta còn tăng thêm nhiều biện pháp nữa để đề phòng ma quỷ: trong nhiều nhà, người ta dùng vôi trắng vạch lên mặt đất, ở cổng vào, trong sân, hay trên các mặt tường ngoài, hình những cây cung giương lên, chĩa mũi tên về mọi hướng, bằng cách đó làm một hàng rào tên bắn thần kỳ ngăn ma quỷ tiến vào nhà. Bên cạnh những cây cung này, người ta còn vẽ những bàn cờ, để nói với thế giới vô hình rằng đấy là nơi ở linh thiêng của các thần tiên.
Bọn trẻ con cũng không bị bỏ quên. Là hy vọng của tất cả các thế hệ ở nước này hơn là ở các nước khác, chúng có phần Tết của mình. Để phục vụ chúng, ở khắp nơi, đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục lớn. Bằng những nét vụng về và ngây thơ, bôi màu sặc sỡ, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học rất sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột, theo sau là phu nhân chuột ngồi trong kiệu, tay cầm quạt. Những tranh đó gợi lại, một cách thật là sinh động và chua chát, cuộc sống của kẻ giàu và người nghèo. Chúng kể lại các sự tích anh hùng lấy từ lịch sử dân tộc: hai bà Trưng và nữ anh hùng Triệu Ẩu mặc chiến bào đang đánh đuổi những bọn áp bức Trung Quốc; Đinh Tiên Hoàng, người sáng lập vương triều đầu tiên của dân tộc, có khi theo truyền thuyết, đang cưỡi rồng vượt qua sông, có khi được hiện đại hóa, đang duyệt binh theo kiểu Pháp; cuộc gặp gỡ cảm động của Lý Chiêu Hoàng trẻ tuổi với Trần Cảnh, vua đầu tiên của nhà Trần, v.v... Các truyện dân gian và các sự tích anh hùng nổi tiếng nhất, của Việt Nam và Trung Hoa, được kể đầy đủ trên những tấm bảng lớn hay nhỏ, trên đó hành động tốt của những người này và sự ác độc của các kẻ khác được nêu bật. Chuyện Nhị thập tứ hiếu, cuộc gặp gỡ trên trời của Ngưu lang và Chức nữ, cuộc sống anh hùng của Thạch Sanh, đầy nhân từ của Phật Bà là những chuyện hay được kể nhất và vẫn làm thích thú những người nông dân nước ta chưa thoát ra khỏi các quan niệm cổ của họ về đời sống đạo lý. Những cảnh sinh hoạt nhàn rỗi, giản dị và nên thơ của nhà nho và người thợ cày được trình bày như đối xứng với sinh hoạt hiện đại được du nhập từ phương Tây, thứ sinh hoạt mà dưới mắt của người bình dân, chỉ được rút gọn thành cái xe đạp, chiếc xe hơi và chiếc máy bay.
Tất cả số tranh nhiều vô kể này, trình bày những đề tài cũ được hiện đại hóa ít nhiều, mặc dầu sự vụng về của đường nét, vẫn được quần chúng đông đảo ưa chuộng. Giống như xưa kia, chúng truyền bá khắp trong nước những nguyên lý về trật tự xã hội và đạo lý ngày nay vẫn còn tạo sự ổn định cho chế độ. Nên nêu rõ hơn nữa những nguyên lý đó để làm cơ sở vững chắc cả cho việc giáo dục con trẻ lẫn việc tuyên truyền trong quần chúng nông dân.
Dù thế nào chăng nữa, mỗi đứa trẻ cũng nhận được một số ít nhiều tờ giấy nhiều màu sắc đó để dán lên vách nhà tranh bên cạnh giường nó nằm, hay xung quanh căn buồng học của nó. Người ta thêm cho nó vài bánh pháo và bánh ngọt. Người ta lấy ra cho nó những áo quần đẹp mà nó chỉ có quyền mặc những ngày Tết, để rồi lại được cất suốt cả năm. Cần phải nói rằng những tấm áo hiếm hoi và đắt tiền này thường được truyền từ anh cho em trai, từ chị cho em gái trong nhiều năm.
Trẻ con các nhà nghèo, chẳng có gì ăn Tết, thì đi quyên từ nhà nọ sang nhà kia trong đêm cuối cùng của tháng Chạp trước giờ giao thừa... Lúc sẩm tối, chúng đi qua các phố, một mình hay từng toán năm sáu đứa, và dừng lại ở cửa tất cả các nhà còn đèn sáng. Chúng gõ xuống đất một ống tre dài từ 1 đến 1,50 mét, trong đó chúng bỏ mấy đồng xu để phát ra một âm thanh gợi lên sự giàu có. Chúng đồng thanh cất tiếng hát bài ca cổ tả chủ nhân ngôi nhà như chủ một gia đình giàu có và vinh hiển. Người nào cũng đưa qua lỗ cửa cho chúng vài xu.
Như vậy, tất cả các cuộc chuẩn bị đều phải hoàn thành, mọi nợ nần đều phải được thanh toán trước giờ cuối của năm. Các cửa được đóng sau lúc sẩm tối. Người ta làm cho xong mọi việc dọn đẹp nhà cửa. Người chủ gia đình mặc lễ phục đứng trước bàn thờ tổ tiên để thỉnh các vị về ăn tết cùng con cháu. Và người ta thức sau bữa ăn tối để chờ năm cũ nhường chỗ cho năm mới. Người lớn quây quần điểm lại mọi sự kiện của quá khứ, và rút ra những bài học cho tương lai. Bọn trẻ con cũng không ngủ. Chúng chờ năm mới đến, bên cạnh những tấm áo của chúng được gấp nếp cẩn thận đặt trên giường, chẳng phải để đón một ông thần nào đó mang đồ chơi cho những đứa bé ngoan như ở phương Tây, mà chỉ để “xem” người lớn đón các thần mới như thế nào, và người cha trong gia đình rút ra các bánh pháo quý báu đang nằm đó trong tầm mắt đầy thèm thuồng của chúng.
Quá nửa đêm, người ta kê một cái bàn ở giữa sân cúng Thượng đế cùng Táo Quân sắp từ trời trở về sau khi dâng tờ tâu trình hàng năm. Người ta đặt trước các mũ thần bằng giấy nhiều màu những đĩa kẹo, những chén trà, rượu, hương, nến, v.v... ở nhiều nhà, người ta bày lên bàn thờ một con gà trống mà chân gà sẽ nói cho chủ nhân biết, nhờ sự giải thích của các thầy cúng và thầy bói, điều ông ta phải chờ đợi trong năm đang bắt đầu.
Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ này, và cũng lạy cả bốn phương trời, để cầu xin ân huệ của tất cả các thần trên thế gian. Bàn thờ tổ tiên cũng được thắp đèn sáng, và kẹo bánh được dâng cúng giữa khói hương dày đặc. Những nghi lễ hoàn toàn có tính gia đình này được đánh dấu bằng tiếng nổ đinh tai của những tràng pháo dài. Và trong nhiều giờ, từ 11 giờ đêm tới 2, 3 giờ sáng, cả thành phố và nông thôn dường như phải nghe một tràng tiếng nổ không dứt. Tràng tiếng nổ đó làm vui tất cả mọi người, lớn cũng như bé. Nếu không có nó và, như ngạn ngữ thường nói, nếu không có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, không có bánh chưng, không có cây nêu, thì chẳng có Tết thật sự. Vì thế, mỗi gia đình đều cố gắng tích trữ sẵn pháo dùng cho ba ngày Tết.
Đêm Giao thừa này còn được đánh dấu bằng những cuộc đi lễ đền chùa. Ai cũng lấy làm vui thích và tự thấy mình có bổn phận phải ra đình, và đến các đền chùa. Chẳng đêm nào thú vị và đẹp như đêm ấy. Đúng là một điều vui thích hiếm có khi được thức đêm đó ngoài trời. Ở tất cả các đền chùa này, nghi ngút đèn hương, mọi người, cả già lẫn trẻ, đến dâng lên chư Phật cùng những thần linh khác những lời cầu nguyện đầu tiên. Ta có cảm tưởng sống một cuộc sống thật thanh bình sâu lắng giữa đám đông sùng mộ, giản dị và thành tâm. Một lần, một người bạn trẻ từ Tây về tâm sự với tôi: “Tôi luôn luôn nhớ lại cái đêm năm mới này lúc tôi thật sự tìm lại được đất nước chúng ta sau một thời gian dài sống ở Pháp, nơi mà tôi đã qua mười hay mười hai cái tết của mình hoặc trong các vũ hội sinh viên đã dần dà trở nên nhàm chán, hoặc một cách đơn giản, nhưng trong lòng cũng không kém trống trải và da diết nhớ quê hương, trước một cốc rượu mạnh Mỹ hay một đĩa trứng tráng giăm-bông trong một quán rượu Paris cùng vài người bạn cũ. Thật ra, tôi cũng chưa tìm thấy lại được đất nước, xứ sở của chúng ta lúc đặt chân lên đất Sài Gòn hay cập bến Hải Phòng. Chỉ có đêm tết này, giản dị là thế, yên bình là thế và vĩ đại là thế mới gây cho tôi ấn tượng sâu sắc, và lập tức đặt tôi trở lại trong cái vòng truyền thống cổ của dân tộc”. Thật là những lời lẽ cảm động của một người bị tước mất quá khứ thể hiện niềm vui của mình khi tìm lại được những gốc rễ cốt tử của mình. Những lời đó làm ta cảm thấy tất cả sức mạnh làm cho con người ta khỏe lại của cái không khí vừa giàu kỷ niệm về quá khứ vừa chứa chan hy vọng tương lai đến thế.
Cuộc đi lễ đêm ở các đền chùa nổi tiếng của Hà Nội đã trở thành truyền thống. Mọi người đều muốn đi lễ đền chùa trước khi cử hành lễ đón giao thừa trong gia đình. Sau khi đi thăm các đền chùa trở về, và coi là đã thấm nhuần ân huệ của các thần, người ta vững tâm xông đất nhà mình. Vì ai cũng muốn yên chí rằng người đầu tiên bước vào nhà mình là người đem theo những dấu hiệu tốt lành. Nếu chẳng có ai tốt hơn, thì không ai chắc chắn bằng chính mình là người có khước, từ chốn của thần thánh trở về nhà, mang về từ đó một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ tổ tiên.
Sau lễ giao thừa, mọi người đều đi ngủ. Hôm sau, người ta cũng chẳng dạy muộn. Người ta phải rửa ráy khá sớm để trông nom việc làm cơm cúng tổ tiên. Rồi sau đó, mọi người mặc áo quần đẹp nhất để đợi người khách đầu tiên. Tuy nhiên, ai cũng tránh là người khách đến thăm đầu tiên, vì như vậy họ sẽ chịu trách nhiệm tinh thần về mọi điều rủi ro có thể xảy tới cho gia đình này trong năm. Vì tuy đã cẩn thận tự mình xông đất nhà mình trong đêm giao thừa, nhưng người ta vẫn luôn luôn áy náy không rõ ai là người khách đầu tiên đến thăm trong năm. Vì chú trọng như vậy đến tính chất của kẻ đầu tiên đến chúc tết, người ta luôn luôn thu xếp để người này là kẻ mang điềm tốt đến.
Như vậy, mọi người đều đợi. Và thành phố, rất sôi động và ồn ào hôm trước, dường như ngủ trong bộ trang sức nhiều màu của mình. Mọi người đều ẩn sau cửa nhà mình được canh giữ bởi những ông thần nét mặt hiền từ hay dữ dằn của tranh dân gian, và được đóng khung trong những câu đối, ngưỡng cửa còn vương đầy xác pháo hồng đốt đêm trước trông như những cánh hoa. Trong những giờ đầu tiên, sự nhộn nhịp biến mất, và phố phường vẫn gần như hoang vắng. Người nước ngoài nào liều đi ở đấy đều có cảm tưởng ở trong một thành phố cách đây mấy giờ vừa được một ông thần nào đó khoác cho tấm áo diệu kỳ.
Đường sá chỉ bắt đầu đông người vào quãng mười giờ. Mọi người lại mặc những áo quần đẹp nhất, đàn bà con gái thì đeo những đồ trang sức lộng lẫy, mặc hết áo dài nọ chồng lên áo dài kia. Tất cả đều đến nhà họ hàng, bè bạn chúc mừng năm mới.
Mỗi người đều phải đi cả một vòng thăm hỏi có thể chia ra ba ngày. Xưa kia, người ta thường lễ trước bàn thờ tổ tiên nhà bè bạn. Ngày nay, ở các thành thị, với việc mặc Âu phục ngày càng phổ biến, những tập tục này trở thành vướng víu, và tại nhiều nơi, người ta chỉ chúc người đang sống. Trái lại, người ta ngày càng dùng nhiều danh thiếp.
Nhưng trước lúc đi chúc tết các nơi, người con trưởng, có tất cả các em theo sau, chúc tết cha mẹ. Trong dịp đó, cha mẹ mừng tuổi cho mỗi con một số tiền nhỏ và những quả cam để làm khước.
Bên ngoài, ngay khi mở cửa đón những người khách đầu tiên, thì hành khất đã đứng đó chúc gia đình bạn một năm mới tốt lành. Những thầy đồ nghèo đưa cho gia đình bạn những mảnh giấy điều nhỏ trên đó ghi những lời chúc gia đình thịnh vượng. Người buôn bán thì mang đến gia đình những gánh nước coi như điềm báo sự giàu có vô cùng; những nhóm xẩm hát cho gia đình nghe những bài ca báo cho bạn và gia đình một đời sống êm ả. Bạn phải thưởng cho những người đó một ít tiền.
Mặt khác, bạn còn phải hào phóng chẳng những với các người này, mà cả với trẻ con mà mình sẽ gặp tại các nhà họ hàng hay bè bạn mà mình đến thăm.
Mọi người chuẩn bị trước cho việc này những phong bao đỏ trong đó để vài đồng hào hay mấy đồng bạc một, hoặc chỉ vài xu. Phong bao này ít hay nhiều tiền là tùy thuộc quan hệ giữa các gia đình. Chẳng ai mất mát gì ở đấy, vì không ai muốn chi ít hơn kẻ khác. Bởi vì tất cả những sự hào phóng này đều hệ trọng đối với danh dự của gia đình rút ra từ đó điềm báo trước sự sung túc. Thậm chí đôi khi gặp cảnh gia đình không dư dật cho lắm, người ta thu nhặt tiền bạn bè cho con cái mình để chính mình mang đi mừng tuổi con cái nhà khác, ở xứ sở nghèo tiền này, ở đâu cũng phải giữ thể diện cho đến cùng. Điều quan trọng là sự tôn trọng nhau và vận may mà sự hào phóng này báo trước. Với người lớn thì người ta biếu những loại mứt kẹo khác nhau đặt trong những hộp sơn đẹp đẽ, những thứ rượu quý hiếm các màu, chè ướp hương, thuốc lá, hạt dưa rang, v.v... Ai cũng cố gắng “phi thường” để tỏ ra thuộc gia đình giàu có, bề thế.
Ngay vào buổi sáng đầu tiên này, học trò đến nhà thầy chúc thầy sống lâu. Thầy cho học trò những mảnh giấy hoa tiên màu hồng và bút lông đẹp để họ viết những điềm báo trước cho cả năm.
Ở khắp nước, từ nông thôn đến thành thị, mọi người đều có vẻ bảnh bao. Mọi người chọn giờ xuất hành và hướng phải đi đầu tiên để có thể gặp trên đường các thần tài thần lộc. Mọi người tránh nói những lời gở, vì sợ trong cả năm sẽ chịu ảnh hưởng tai hại. Mọi người còn kiêng quét nhà lúc đầu năm, vì sợ tài lộc sẽ cùng với rác rưởi rời khỏi nhà.
Người ta phải quan sát thời tiết tám ngày đầu tiên để đoán xem những gì trong tám giống tự nhiên sẽ thịnh vượng trong năm. Ngày thứ nhất thuộc giống gà trống, ngày thứ hai thuộc chó, ngày thứ ba là lợn, ngày thứ tư là dê, ngày thứ năm là trâu, ngày thứ sáu là ngựa, ngày thứ bảy thuộc người, và cuối cùng, ngày thứ tám là lúa gạo. Nếu trời trong và không mưa trong một hay nhiều ngày đó, thì những giống tương ứng sẽ rất phồn thịnh trong năm.
Mọi người còn xem túm lá trên đỉnh cây nêu quay về đâu. Nếu túm lá lay động lúc có gió bắc, thì vụ gặt sẽ trung bình; vụ gặt sẽ rất tốt nếu túm lá quay về phía TâyBắc. Trời sẽ hạn hán lớn nếu gió thổi nó về hướng nam; sẽ có nạn binh đao nếu túm lá ngả về hướng bắc; sẽ có những con mưa tốt lành khi túm lá hướng về phía đông.
Ở thôn quê, nhất là ở nhà những người sống bằng đánh cá hay nghề chèo lái trên sông, người ta cân một ít nước của năm qua và so sánh nó với lượng nước bằng thế của năm đang bắt đầu. Nếu lượng nước năm mới nặng hơn nước kia, thì đó là điềm xấu và sẽ có những trận lụt lội đáng sợ; nếu không thì năm sẽ tốt lành và công việc đồng áng sẽ thuận lợi do mưa gió thuận hòa.
Đàn ông và đàn bà, trai cũng như gái, ai cũng cố gắng thu xếp một lát giữa những cuộc viếng thăm bắt buộc để đến những đền chùa nổi tiếng nhất cầu cúng cho hạnh phúc gia đình mình và để xin “thẻ” nói cho họ biết điều họ phải chờ đợi trong năm mới. Quỳ trước bàn thờ, họ lắc cái ống đầy những thẻ tre cho đến lúc một trong các thẻ đó rơi xuống chiếu. Chiếc thẻ ghi con số “tờ giấy báo vận mệnh” mà họ có thể mua với giá từ năm đến mười xu ở ông từ coi đền. Những ông đồ ít nhiều nghèo túng sẽ nói điều bí mật của thần thánh, lấy một đồng mười xu khác. Tuy nhiên, dù hài lòng hay buồn rầu, người ta vẫn có thể cầm theo lúc về những cành cây xanh mà bọn trẻ bán ở cửa đền. Những cây này, do chồi và lá màu xanh tươi của chúng, mang đến cho ta hạnh phúc và thịnh vượng.
Những cuộc viếng thăm và những cuộc hành hương này đến các đền chùa kéo dài suốt ngày cho đến tận tối. Chúng còn tiếp tục trong hai ngày tiếp theo. Ai cũng chè chén và vui chơi thỏa thích. Người thì dạo chơi, đi xem hát hay xem chiếu bóng tìm kiếm cảnh làm đẹp cả năm; người thì chơi cờ bạc và cố tìm thấy, trong lúc được cuộc, điềm tốt lành. Trẻ con, vụng về trong quần áo đẹp mới mà chúng chỉ mặc một thời gian, chạy khắp các phố, bỏ tiền mua kẹo bánh và pháo. Kẻ nghèo, bằng những khoản tiền hào phóng tự nguyện của người sung túc, được ăn đầy bụng một trong những lần hiếm hoi trong năm.
Ngày thứ tư, mọi người cúng tiễn gia tiên trở về thế giới bên kia sau khi đã thấy lại gia đình vui vẻ. Các cửa hàng lại mở cửa. Và mọi người tiếp tục công việc của mình theo lề thói cũ và bổn phận, nhưng không phải không xem lịch để bắt đầu vào ngày giờ tốt lành.
Như vậy, ở xứ sở mà cuộc sống theo nhịp sự nối tiếp nhau của các mùa, Tết là một ngày thiêng liêng trong tất cả. Con người, vào những ngày bình thường, hoàn toàn thuộc về gia đình và công việc của mình. Anh ta rất ngờ vực kẻ lạ. Chỉ trong những ngày chuyển sang năm mới này thì một sự cảm thông trịnh trọng mới diễn ra, và cuộc sống tình cảm của nông dân nước ta, rất kình địch nhau, mới biểu lộ một cách trịnh trọng nhất định. Các gia đình, thông thường khép mình lại và bị giam hãm trong nỗi lo âu của đời sống hàng ngày ít nhiều ích kỷ, thì chìa rộng bàn tay cho nhau. Mọi người chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc mà chẳng có ẩn ý gì cả. Và dường như ai cũng thấy ở sự thịnh vượng của láng giềng vẻ thanh bình và yên ổn của tất cả mọi người.
Trạng thái hưng phấn này, trong khi làm trẻ lại sự hiệp đồng xã hội, phải là phần mở đầu của những lễ hội mùa xuân sắp mở khắp nước bắt đầu từ ngày thứ tư. Lịch của các lễ hội nông nghiệp và lịch sử to lớn này là bấy nhiêu sự tụ hội của thanh niên, rải ra trong ba tháng âm lịch đầu tiên, và thậm chí ở một số nơi, kéo dài tới thượng tuần tháng Tư. Và chính trong những ngày vui lớn này mà thanh niên nam nữ các làng tụ hội và làm quen nhau giữa những cuộc hát đối đáp, những cuộc thi tài và các trò vui đủ loại. Những cuộc gặp gỡ này rất hiếm có ở những dịp khác, sau đó là những cuộc dạm hỏi và cưới xin. Những cuộc kết thân này lại củng cố và mở rộng thêm sự quần tụ gia tộc.
Ngày Tết, do một quy luật tự nhiên bất di bất dịch, nhờ sự vận hành muôn thuở kết hợp của mặt trời và mặt trăng, bao giờ cũng xuất hiện với bộ trang sức tươi tắn muôn hồng nghìn tía, được làm dịu đi bởi sự đổi mới của vạn vật, được làm sinh động bởi các hạt mưa lâm tâm, điềm báo trước cơn mưa phùn tốt lành. Trong khi đột nhiên kéo một người khỏi cuộc sống đơn điệu của họ, nó vừa khiến cho họ khẳng định sức mạnh của tinh thần gia đình, vừa làm trẻ lại sự hiệp đồng xã hội gắn bó “trăm nhà” với nhau ở xứ sở này có lẽ từ hàng nghìn năm. Chính vì lý do đó mà nó vẫn còn sinh động ở nước ta, mặc dầu thời gian khắc nghiệt và những đóng góp chẳng ra đâu vào đâu của các khái niệm luân lý mới hay những phản xạ tâm lý mới.
--
Tác giả: GS. Nguyễn Văn Huyên
Nguồn tiếng Việt: Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt. Đỗ Trọng Quang và Trần Đỉnh dịch. NXB Thế giới và Nhã Nam, 2017
T.L.H