Tối thứ sáu ngày 22/04/2022, buổi tọa đàm thứ 2 " Văn hóa đọc - Cơ hội, thách thức và những kiến nghị ” dưới sự chủ trì của ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam và ThS Thái Thu Hoài - Phó trưởng khoa Xuất bản, Phát hành- Đại học Văn hóa Tp. HCM, đã diễn ra thành công tốt đẹp với phần tranh luận của các chuyên gia giàu kinh nghiệm và sự hưởng ứng nhiệt tình đến từ các bạn sinh viên yêu sách của khoa Xuất bản, Phát hành.
Tham gia buổi tọa đàm về phía khách mời có ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và và Phát hành, Ông Nguyễn Thành Nam - Tổng biên tập NXB Trẻ, Ông Phạm Trần Long, Tổng Biên Tập NXB Thế Giới, Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ Nữ Việt Nam, Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch Saigon Books, Ông Lê Hoàng Thạch - Giám đốc ứng dụng sách nói Voiz FM, Ông Trương Văn Pháp- Nhà Sách Vạn Trí ( Phú Yên), TS Nguyễn Thị Ngọc Minh -giảng viên Đại học Sư Phạm Hà Nội, PGS. TS Hoàng Thị Tuyết - nguyên giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM, Cô Nguyễn Ái Hoa - Giảng viên hướng dẫn kỹ năng Voice Talent…và các đại biểu đến từ các đơn vị xuất bản, phát hành sách, các phóng viên báo đài đưa tin về tọa đàm. Về phía trường Đại học Văn hóa TP.HCM có các thầy, cô khoa Xuất bản, Phát hành; khoa Thông tin, Thư viện và các bạn sinh viên yêu sách của khoa Xuất bản, Phát hành.
Buổi tọa đàm trực tuyến Văn hóa đọc - Cơ hội, thách thức và những kiến nghị tối ngày 24/2.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và và Phát hành đánh giá cao chương trình tọa đàm " Văn hóa đọc- Cơ hội, thách thức và những kiến nghị ” gồm 2 buổi do Hội Xuất bản Việt Nam và Khoa Xuất bản, Phát hành trường Đại học Văn hóa TP.HCM phối hợp tổ chức. Tọa đàm là dịp để những người làm xuất bản, phát hành, những chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp khơi dậy tình yêu sách, thúc đẩy việc đọc sách, tiếp nhận tri thức và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa, phát triển kinh tế đất nước.
Trong tọa đàm, các khách mời đã có những chia sẻ hết sức tâm huyết của mình nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng : Ông Nguyễn Thành Nam với những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng của số lượng sách phát hành tăng chưa tương xứng với tốc độ tăng của số tựa sách và số bản in; Ông Phạm Trần Long với những so sánh về hoạt động khuyến đọc giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á và Châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc; Bà Khúc Thị Hoa Phượng với việc đẩy mạnh xuất bản những quyển sách hướng dẫn kỹ năng đọc như “Readology: Đọc thế nào”; TS Nguyễn Thị Ngọc Minh với các dự án đào tạo Kỹ năng đọc cho các trường mầm non, trung học ở một số tỉnh phía Bắc; Cô Nguyễn Ái Hoa với chương trình đào tạo Voice Talent cho các bậc cha, mẹ đọc truyện cho trẻ con nghe; CEO Kim Thoa với các dự án vận động mạnh thường quân dự án xây dựng các tủ sách tại các nhà văn hóa ở các vùng nông thôn; Ông Lê Hoàng Thạch với ứng dụng sách nói giúp giải quyết 2 vấn đề eo hẹp: thời gian eo hẹp, không gian (tủ sách) eo hẹp….và rất nhiều giải pháp, ý kiến tiếp tục được chia sẻ, tranh luận sôi nổi giữa các diễn giả khách mời dù đã đến 22 giờ 30 trong khi thời gian dành cho tọa đàm phần 2 này dự kiến chỉ là 2 giờ đồng hồ thì rõ ràng là chưa đủ để thỏa mãn tình yêu dành cho sách của các diễn giả.
Kết thúc buổi tọa đàm, ThS. Thái Thu Hoài thay mặt Ban tổ chức cảm ơn các khách mời đã dành thời gian cho buổi tọa đàm thứ 2 này khi mà thời gian diễn ra buổi tuổi đàm này lại trùng với trận bóng đá hấp dẫn giữa tuyển U23 Việt Nam và U20 Hàn Quốc và khẳng định chính tình yêu sách của các vị đại biểu dành cho buổi tọa đàm chính là động lực để Khoa Xuất bản, Phát hành tiếp tục phối hợp với Văn phòng phía Nam – Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức những buổi Hội thảo, tọa đàm phát triển văn hóa đọc, phát triển thị trường sách trong tương lai.
Bài: N.Thanh