bet365 mobile bet Nền tảng trực tuyến trang web chính thức

1. Dẫn nhập

Đảo Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng, một huyện ven biển ở phía tây nam tỉnh Quảng Ninh: "ở cách phủ 32 dặm về phía đông, đông tây cách nhau 29 dặm, nam bắc cách nhau 32 dặm, phía đông đến địa giới huyện Hoành Bồ 21 dặm, phía tây đến địa giới huyện Thuỷ Đường, tỉnh Hải Dương 8 dặm, phía nam đến địa giới huyện Nghiêu Phong 8 dặm, phía bắc đến địa giới huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương 34 dặm". Vùng Hà Nam (tổng Hà Nam xưa) là một bãi phù sa cổ ở cửa sông tách khỏi đất liền bởi dòng sông Chanh (đảo nằm ở giữa cửa sông Bạch Đằng và chia con sông này thành hai nhánh chảy ra biển, phía Nam là sông Rút, phía Bắc là sông Chanh), là vùng đất trũng, thấp hơn so với mực nước biển khi triều lên vì vậy còn gọi là vùng đảo. Đây cũng là vùng đất được khai hoang vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn do nhiều nhóm cư dân đến quai đê, ngăn nước mặn, khai phá đất đai và lập nên 10 làng (Vị Dương, Vị Khê, Quỳnh Biểu, An Đông, Hải Yến, Phong Cốc, Cẩm La, Trung Bản, Hưng Học), sau đó lần lượt các nhóm dân cư kế tiếp nhau đến ở, lập nên khu đảo Hà Nam.

Đến nay, dù trải qua nhiều biến cố của lịch sử nhưng với sự cố gắng nỗ lực, các thế hệ cư dân Hà Nam đã tạo dựng nên một làng quê Việt mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đến với Hà Nam hiện nay không chỉ thấy sự đổi mới, khởi sắc về mặt kinh tế xã hội mà còn thấy sự phong phú trong các sinh hoạt văn hóa nhưng vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn nét văn hoá đặc trưng của làng quê vùng Bắc Bộ thông qua các phong tục, tập quán, lễ hội, các trò chơi dân gian, các món ăn đặc sản, những kinh nghiệm quai đê lấn biển,…cùng hệ thống hàng trăm di tích với hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cao còn được lưu giữ trong các nhà thờ các dòng họ Bùi, họ Nguyễn Đại, Nguyễn Thống, Vũ Tam, Vũ Giai... Điều đó được thể hiện rõ nét nhât qua lễ hội Tiên Công, lễ hội mùa xuân lớn nhất của cư dân vùng đảo Hà Nam.

2. Nét độc đáo trong lễ hội Tiên Công

Lễ hội Tiên Công, hay còn gọi là hội Thập cửu Tiên Công, ngày nay được tổ chức tại đền Thập cửu Tiên Công ở xã Cẩm La và được gọi với nhiều tên: Hội Miếu Tiên Công hoặc Hội Miếu La, Hội Thập cửu Tiên Công. Ngày nay dân trong vùng quen gọi là Lễ hội Tiên Công và cũng là tên gọi chung hiện nay ở địa phương và không dùng từ  "thập cửu Tiên Công" nữa bởi hai Tiên Công đã được rước về thờ riêng ở đình Trung Bản. Thực tế đây là lễ hội của bốn xã: Cẩm La,  Trung Bản, Phong Cốc và Yên Đông. Do vậy, lễ hội Tiên Công còn có tên gọi khác nữa là Hội Tiên Công Tứ xã. Bởi vào thời Hậu Lê khoảng năm 1434, đời Thiệu Bình thứ I, vâng chiếu vua Lê mở rộng kinh thành, một tập đoàn 17 người gồm các nho sĩ, thợ thủ công, ngư dân, cày cấy... đã xuôi thuyền qua sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng tìm đất lập nghiệp. Tiếp đó, có nhiều nhóm cư dân cũng đến khai hoang và sinh sống ở vùng đất này. Như vậy, những người có công đầu tiên chiêu tập dân đến vùng cửa sông Bạch Đằng này quai đê lấn biển, lập đất lập làng, lập nên vùng đảo Hà Nam là 24 vị (17 vị quê ở phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long; 2 vị quê ở Trà Lý (thuộc tỉnh Nam Định); 3 vị quê ở xã Quang Lan (thuộc Nam Định ngày nay); 2 vị quê ở Phủ Lý.  Cũng theo dân gian kể rằng: Khi tới vùng đất này để sinh sống, mỗi độ xuân về, khôn nguôi nhớ chốn kinh thành, nhớ những hội hè, đình đám... nên các cụ ta đã mời các bô lão tuổi tác cao nhất trong ph­ường xã trộm đóng y phục giống như­ đức vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu xúm lại nghinh rư­ớc lên Miếu đường và bày soạn tế lễ. Không khí diễn ra nh­ư thể ở triều đình, cũng hai bên “bát biểu”, lọng che, cũng phường nhạc bát âm, trống khẩu cầm nhịp, cũng hát x­ướng ca ngâm...Để tưởng nhớ công lao của những người đã có công đầu quai đê lấn biển lập nên vùng đảo Hà Nam, dân đảo Hà Nam đã tôn vinh họ là Tiên Công và phụng thờ tại một đền, hai đình và một miếu. Hàng năm mở hội để cúng tế và duy trì tục rước của cha ông trước kia. Từ đó, lễ hội Tiên Công được hình thành. Lúc đầu việc phụng thờ các vị Tiên Công mới ở phạm vi "tứ xã" (Cẩm La, Trung Bản, Phong Cốc, Yên Đông), sau này phát triển rộng ra toàn vùng đảo Hà Nam có sức ảnh hưởng đến cả vùng Hà Bắc (bờ Bắc sông Chanh, huyện Yên Hưng).

 Theo cổ tục, hội mở trong 4 ngày, mồng 4, 5, 6, và ngày 7 tháng Giêng Âm lịch là ngày hội chính và chỉ mừng thọ cụ ông. Thời đại mới, kinh tế phát triển, cuộc sống văn minh, Lễ hội mừng rước cả cụ ông và cụ bà. Không khí chuẩn bị Lễ hội náo nức từ tháng Chạp năm cũ. Trên các ngả đường, đây đó người ta đã hỏi thăm nhau xem trong họ ngoài làng, xã mình xã bạn Tết này có bao nhiêu cụ 80, bao nhiêu cụ 90 tuổi? Cụ nào yếu, cụ nào còn khoẻ mạnh?

Vào tối mồng 3 tháng Giêng, các ông trưởng họ đã cúng yết cáo với tổ họ mình về những người thượng thọ (80, 90 tuổi…) để sáng mồng 4 tháng Giêng, gia đình có người thượng thọ đem lễ vật đến cúng tại từ đường của dòng họ để làm  Lễ ra cỗ họ. Với vật phẩm dâng cúng là một con lợn (hình thức là một cái thủ lợn, một đuôi lợn cài ngang hàm), đặt trên mâm xôi trắng, ngoài ra còn có mâm bánh dày, hoa quả và rượu đi kèm. Những gia đình khá giả có thể cúng cả con lợn, một mâm xôi và mấy mâm bánh dày, hoa quả. Tế tổ xong, toàn gia tộc hưởng một bữa tiệc chung. Lễ ra cỗ họ truyền thống hay còn gọi là lễ minh niên, mang ý nghĩa cầu mong tiên tổ phù hộ cho con cháu trong dòng họ mạnh khoẻ, làm ăn may mắn, thuận lợi trong cả năm. Lễ ra cỗ họ là dịp để con cháu tỏ lòng thành hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tuy chỉ giới hạn trong phạm vi dòng họ của mình nhưng đã góp phần tạo cho cả vùng đảo Hà Nam trở thành một ngày hội lớn, ngày hội của đại gia đình các dòng họ Tiên Công.

Trong ngày, các dòng họ Tiên Công ở Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải và Yên Đông họp đại diện để cắt cử đoàn tế cho ngày mồng 6 tại đền Thập cửu Tiên Công. Những người tham gia đoàn tế phải là những người am hiểu nghi thức, nghi lễ của một cuộc tế. Chủ tế được chọn luân phiên giữa các dòng họ Tiên Công, phải là người cao tuổi, có sức khoẻ, không có tang, vợ chồng song toàn, con cái phương trưởng, có trai, có gái, gia đình hoà thuận, ăn ở đức độ, có uy tín với làng xã. Cuộc họp này cũng chọn luôn hai cụ thượng tiêu biểu có sức khoẻ để đắp đê tượng trưng ở cửa đền vào ngày chính hội (mồng 7 tháng Giêng) và đánh vật tượng trưng. Hai cụ thượng này phải được rước tới đền cùng thời gian.

Đến ngày mồng 5 tháng Giêng: Con cháu các gia đình có cụ thượng thọ chuẩn bị lễ phục cho các cụ thượng thọ. Lễ phục cho cụ ông gồm: Khăn xếp màu đen, áo dài bằng vải satanh hoặc lụa màu xanh, đỏ hoặc vàng có in trang trí bằng nhiều chữ thọ, quần trắng, giày vải nhung màu xanh, đỏ, trắng hay vàng, gậy chống làm bằng cây trúc hoặc gỗ được trang trí đẹp; Lễ phục cho cụ bà gồm: Khăn vấn bằng nhung the đen, áo cánh bên trong, bên ngoài là áo dài tứ thân màu gụ in chữ thọ trang trí, áo ngắn dài tay để vận bên ngoài được may bằng vải nhung the trần hai lớp, tràng hạt đeo cổ, quần được may bằng vải lụa hoặc satanh mầu đen, giầy bằng vải nhung màu xanh, đỏ hoặc vàng, gậy cầm tay được làm bàng trúc hoặc gỗ được trang trí đẹp và một hộp đựng trầu cau.

Ngoài ra con cháu các dòng họ còn chuẩn bị ban thờ nơi làm nghi lễ mừng thọ và họ đặc biệt chú ý đến việc trang trí án gian (hương án).

Ban thờ mừng thọ đặt trước ban thờ tổ tiên phía giáp cửa; phía trước ban thờ đặt một bàn đặt lễ trên có đặt hộp trầu cau của cụ bà, điếu bát của cụ ông. Hai bên bàn đặt lễ là hai nghế thọ (ghế ngồi kiểu cổ), ghế bên phải nhìn từ ngoài vào là của cụ ông, ghế bên trái là ghế của cụ bà, phía trên ban thờ (trên cửa chính) thường treo bức đại tự nói về chúc thọ, ghi "Đăng thọ tịch" (ngồi chiếu thọ); hai bên là hai câu đối chúc thọ:

Thiên định tứ thời xuân tại thủ

Nhân cầu ngũ phúc thọ vị tiên.

Tạm dịch là:

Trời định bốn mùa lấy mùa xuân làm đầu

Người cầu năm phúc lấy tuổi thọ làm đầu.

Hoặc một câu đối khác:

Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Tạm dịch là:

Trời thêm năm tháng, người thêm thọ

Xuân khắp đất trời phúc khắp nhà.

 Phía sau hai ghế thọ, một bên đặt biểu tượng chữ Thọ, một bên đặt một cành đào lớn nở hoa. Trong nhà mâm ngũ quả được bày trên bàn thờ gia tiên, phía trước dọc theo hương án là hai dãy giá dựng đồ bát bảo (của gia tộc); mọi người dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bàn nghế, bắc rạp làm nơi để các con cháu lễ sống cụ thượng thọ. Cổng ngõ được kết cổng trào có nội dung thượng thọ.

Mồng 6 là ngày yết hội. Ngày này diễn ra nghi lễ mừng thọ. “Lễ thượng thọ còn được gọi bằng những tên khác là Lễ kính xỉ, Lễ thiên tước. Đó thực sự là một lễ hội gia đình, họ tộc. Người ta quan niệm, gia tộc nào có người thượng thọ nghĩa là gia tộc đó ăn ở phúc đức, làm nhiều việc thiện, lao động sản xuất giỏi nên được các Tiên Công phù trợ cho trường thọ. Bất kể là ai, dù ở chi trên hay chi dưới, người đạt đến tuổi thượng thọ đều được gia tộc kính trọng, tên gọi Cụ Thượng trở thành tên gọi thứ hai mà mọi người trong gia tộc sẽ dùng trong giao tiếp với người đạt đến tuổi đó. Các cụ được con cháu xin ý kiến về nhiều việc của họ tộc như cúng tế, sửa sang từ đường, tổ chức các công việc hiếu, hỉ, khai trương, khánh thành nhà mới và nhất định phải mời được cụ đến dự để lấy may mắn.”

Trước khi làm lễ ở đền, các họ tộc phải tổ chức tế tổ tại từ đường của dòng họ. Các gia đình có cụ Thọ mang lễ lên nhà thờ họ, trước là bái tạ Tổ họ, sau báo mời nội ngoại, bạn bè... Nhà cửa được căng phông rạp, trang hoàng, bày biện nghi lễ, đèn sáng hoa tươi chuẩn bị đón tiếp khách khứa gần xa. Buổi sáng trở đi đường thôn đã tấp nập các đoàn đội lễ đầy ắp phẩm vật, hoa quả đến dâng mừng, chúc tụng. Cụ Thọ 80 tuổi từ ngày đó dù trong họ thuộc hàng con cháu chăng nữa cũng đều được phong gọi là “Cụ Thượng” một cách cung kính. Cụ Thượng mặc áo gấm đỏ hoặc xanh thêu chữ Thọ, đạo mạo ngồi trên ghế bành trải nệm hoa, cạnh hương án. Trên hương án, giữa bày một mâm ngũ quả lớn kết thành hình con Long Mã rất đẹp và uy nghi. Long mã được làm bằng các hoa quả, sản vật địa phương: đầu long mã làm bằng quả đu đủ xanh, răng nanh làm bằng các quả ớt đỏ, râu làm bằng hoa cây móc, thân và chân làm bằng các quả chuối, hoa chuối, điểm thêm các quả quýt, đuôi và bờm làm bằng hoa cây móc và mắt được điểm bằng hai hạt nhãn. Long Mã là hình tượng con vật đầu Rồng mình Ngựa biểu hiện cho sức mạnh, ý chí của người vùng biển khát vọng chế ngự thiên nhiên, vững vàng trong nắng mưa, gió bão. Không thể thiếu cành đào gốc to, đầy nụ hoa và chậu cây Thiên tuế biểu hiện cho sự phát triển đông đúc con cháu, trường tồn trường thọ. Câu đối đỏ, trướng thơ mừng treo la liệt hai bên cùng đèn nến sáng lung linh. Con cháu, họ hàng, xóm láng, bằng hữu... đến mừng, từng hàng đứng trước Cụ Thượng. Người trịnh trọng dâng lễ, kẻ kính cẩn tung hô, chắp tay quì lạy. Cho nên dân gian vùng này có câu “một lễ sống bằng một đống lễ chết” là thế. Ai nấy tay bắt mặt mừng, thật là cảm động. Sau đó mọi người cùng dự tiệc chia lộc Thọ với Cụ Thượng và gia đình. Chí ít cũng phải nhận một chén rượu lấy lộc, lấy may đầu xuân!

 Nghi lễ mừng thọ ở gia đình: Tuỳ theo hoàn cảnh của từng gia đình mà tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ Thượng quy mô to, nhỏ khác nhau. Nghi lễ mừng thọ thường được tổ chức như sau: Cụ thượng thọ ngồi trên ghế thọ (nếu không song thọ vẫn mời ông hoặc bà ngồi với cụ Thượng, nếu cụ Thượng chỉ còn một mình thì bố trí một ghế cho cụ Thượng). Khi con cháu, họ tộc, khách mời, dân làng đến đông đủ, buổi lễ sẽ được bắt đầu. Lễ mừng thọ tại gia sôi động tới gần nửa đêm mới vãn. Người đọc trướng, kẻ ngâm thơ, hát dân ca... ca ngợi quê hương đất nước, công đức Tiên Công, ca ngợi tinh thần lao động, đạo đức của cụ Thượng cùng gia cảnh đề huề, tốt đẹp. Nếu các vùng các quốc gia trên thế giới từng coi trọng sức khoẻ là yếu tố số một của đời người: “sức khoẻ như một con tàu chở đầy vàng...” thì ở vùng đất Hà Nam, người xưa đã lấp lánh những áng văn thơ đối ứng, như: “Ngũ phúc nhân cầu tiên tất Thọ. Tứ thời thiên định thuỷ ư Xuân”- (Nếu Trời đã định ra bốn mùa, mùa xuân đứng đầu, thì con người trong năm điều phúc lấy tuổi thọ làm điều trước hết).Trước đây, đến chúc Thọ, con cháu đốt pháo liên hồi mừng từ đầu ngõ. Khói lan mờ mịt, xác giấy đỏ ngập lối đi. Bây giờ, pháo nổ giòn giã trong băng phát ra loa thùng. Đất trời, cảnh vật với lòng người quấn quyện, tràn ngập niềm vui.

Sáng mồng 7 vào hội chính. Các đoàn rước ổn định nghi thức đội hình từ tinh mơ bắt đầu chuyển động theo nhịp trống khẩu và tiếng trống múa kỳ lân dồn dập, thôi thúc. Đội nữ tân rước cờ, rước bát biểu, đồ tế khí cổ…bước hai hàng dọc nghiêm trang. Lễ gồm các mâm hoa quả, trầu cau, bánh dày, bánh dẻo, rượu hồng, thủ lợn… ánh lên đầy vẻ phồn thực. Phường nhạc bát âm tấu réo rắt, ngân nga. Khói trầm toả thơm nghi ngút, vấn vít quanh mô hình chữ Thọ được tô vẽ vàng son. Bộ võng đào có Cụ Thượng ngả lưng thanh thản. Võng do 2 trai tráng khăn xếp áo the khênh rước bằng đòn sơn tạc đầu rồng bước chậm từng nhịp một. Người cầm lọng xanh che võng vừa đi vừa xoay lọng rất khéo. Có nhiều Cụ Thượng khoẻ mạnh đòi được đi bộ giữa bầy con cháu ôm hoa tháp tùng. Có năm Lễ hội có những cặp song Thọ cụ ông nắm tay cụ bà ung dung như thuở còn xuân, khiến cả hội nhìn theo tấm tắc. Năm 1995, họ Ngô (Phong Cốc) tổ chức một cuộc rước tập thể lớn chưa từng có, gồm 14 cụ Thượng. Đám rước dài hơn một cây số, như một con rồng uốn khúc qua các làng. Có năm, xã Phong Cốc có tới ba mươi, cả vùng “Tứ xã” có tới bốn, năm mươi Cụ Thượng. Năm 2009, xã này có một cụ bà thọ 90 tuổi, con cháu đóng hẳn kiệu son rước cụ lên miếu lần thứ hai. Xã Cẩm La từng có 4 cụ bà là chị em gái, lần lượt được lên ngôi cụ Thượng. Họ Bùi từng có cả hai chú cháu, họ Vũ có anh rể và em vợ cùng ngày “vinh qui”. Họ Ngô cũng từng có 4 thế hệ cùng lúc “Tứ đại đăng khoa”. Gia đình ông Nguyễn Văn Lăng ở Cẩm La có 10 Cụ Thượng trong chi. Năm 1999, ông Lăng lên chức 80 trong lúc thân mẫu của ông thọ 102 tuổi, cụ còn rất minh mẫn. Cư dân nơi đây còn kể: Mùa xuân Canh Thìn năm 2000, cả vùng làng đảo có 118 cụ thọ từ 80 đến 100 tuổi. Con cháu rước võng các cụ Thượng cùng bức đại tự đỏ chói lấp lánh chữ vàng đi giữa tiếng reo cười tưng bừng, náo nhiệt.

Thường đến 12 giờ trưa các cụ Thượng đã đến đủ, các đoàn rước và các cụ Thượng phải chờ ở nhà bái đường (nhà phụ hai bên đền) đền Thập cửu Tiên Công, chờ tế "Tứ xã" (thường là tế nam quan). Các ông văn trịnh trọng đọc bài văn tế tạ ơn công đức 17 vị Tiên Công, cầu cho “nhân khang vật thịnh”, cho ruộng đồng “phong đăng hoả cốc”, cho “Quốc thái dân an”. Ban Tế mỗi xã tế xong mới được vào dâng lễ vật và lễ. Con cháu đưa mâm lễ vật vào đặt ở nơi làm lễ. Người con trưởng thắp nhang (hương) để cụ Thượng bước vào Miếu đường lễ Tiên Công. Mỗi cụ Thượng khi vào lễ đều được cụ tiên chỉ của xã đọc một bài văn ngắn ca ngợi phúc đức tổ tiên, kể công lao của người thượng thọ và chúc cụ Thượng đó sống lâu, chúc dòng họ có cụ Thượng làm ăn phát đạt để có nhiều người được hưởng tuổi trời cho. Khi lễ Tiên Công xong, gia đình được mang một phần lễ vật về, phần còn lại góp với xã khao dân làng. Sau tất cả các nghi lễ ở đền Tiên Công, trình tự đoàn rước đưa cụ Thượng về nhà như khi đi. Rước vào đền Tiên Công bằng đường bên phải, rước về bằng đường bên trái.

Theo lệ cổ, khi các cụ Thượng lễ Tiên Công xong thì diễn ra nghi lễ động thổ: hàng xã mời bốn cụ Thượng còn khoẻ ra trước cửa đền Tiên Công (bốn cụ Thượng đã được lựa chọn từ trước) làm nghi lễ "vượt thổ" (đắp đê). Dân làng đã đắp sẵn một con đê nhỏ tượng trưng ngay trước cửa đền, các cụ Thượng được con cháu và dân làng đưa cho những tảng đất đã được xẻ vuông vắn đặt trước bàn thờ Tiên Công để đắp lên "khúc đê" trước đền. Đây gọi là lễ động thổ, sau lễ này các gia đình, làng xã mới được đào mương, bồi đê, cày cấy ruộng vườn, thậm chí, những gia đình có người mất vào những ngày tết cũng phải chờ qua lễ động thổ này mới dám tổ chức lễ tang và đào huyệt. Nếu ai vi phạm, trong năm đó làng xã có xảy ra việc gì, sẽ bắt phạt.

 Sau nghi lễ "động thổ" (vượt thổ), các cụ Thượng tiếp tục thực hiện nghi thức "đấu vật" (đấu vật tượng trưng). Các cụ Thượng quấn chỉ vào cổ tay nhau và ôm nhau quay một hai vòng rồi ngồi xuống đất, hoặc nếu các cụ yếu quá thì chỉ cần quấn chỉ  và cổ tay rồi "ngã" ra. Đây là cuộc "đấu vật" có một không hai trong các hội vật trong vùng Bắc bộ, trước đây các cụ Thượng còn cởi trần đóng khố như vào sới vật thực thụ. Khi “vào các sới vật là những ông lão tuổi chẵn 80 (kém mấy tháng tuổi cũng không được). Các bô lão cởi trần đóng khố vào đấu trường trong tiếng reo hò động viên của nhân dân và đặc biệt là của đoàn cổ động viên là con, cháu, chắt và bà con trong họ. Các bô lão làm theo các bản quy định với các miếng võ thường lệ. Ở lứa tuổi thượng thọ này, đủ sức để vào sới vật, dù là tượng trưng, đã là điều phi thường, vậy mà các bô lão còn giành hơn thua trên đấu trường, là điều không thể ngờ được! Các cụ thắng cuộc thì dòng họ và gia đình vẻ vang và biểu thị sự trường tồn, trường sinh của dòng giống.”

Nghi thức đấu vật là để biểu trưng sức khoẻ của những người quai đê lấn biển, lập đất, lập làng, lập nên vùng đảo Hà Nam. Người dân ở đây cũng tin rằng, với nghi thức này, các cụ sẽ ban sức khoẻ cho con cháu. Từ ngày đó các làng xã mới được động thổ, đào móng làm nhà, ra quân làm thuỷ lợi…

Sau các tế lễ, nghi thức tế Tiên Công xem như được hoàn thành. Các trò chơi trong ngày hội được tổ chức từ chiều hôm trước ngoài sân bãi xung quanh đền Tiên Công vẫn được tiếp tục cho tới tối. Trong hội diễn ra nhiều trò chơi như đu xuân, đánh vật, chọi gà, cờ người, hát đúm, kéo co, bóng chuyền. Ngoài các trò chơi trong lễ hội Tiên Công, người ta còn tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng của địa phương trong buổi tối ngày hôm trước, sáng ngày chính hội và buổi tối mồng 7 tháng giêng (rã hội).

 Sau lễ hội Tiên Công, dân vùng đảo Hà Nam mới thực sự bước vào mọi hoạt động của năm mới: Cày cấy, gieo trồng, mua con giống, ra khơi đánh cá, bồi đê, khơi mương máng, đi buôn bán,… và người dân ở đây thực sự tin rằng sau khi tế Tiên Công, họ đã được phù trợ, được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục sự nghiệp mà các Tiên Công đã để lại.

Qua các hoạt động tại lễ hội Tiên Công, có thể thấy, ngày xuân trên các làng quê ở Yên Hưng đến chỗ nào cũng lạc vào niềm vui. Có lẽ trên đất nước ta chưa thấy nơi nào có lễ hội Rước Người long trọng và đặc biệt như ở Yên Hưng.  Các bậc phụ lão ở đây hạnh phúc ngang với đức vua, với các hàng quan lại đầu triều ngày xưa. Bởi con cháu các cụ thường bảo: Của cải, bạc vàng có thể mua sắm được, chứ tuổi thọ của cha mẹ, của đời người thì không gì đổi bán được, chẳng ai ký nhượng cho được. Và cư dân nơi đây cũng quan niệm, được phúc “Thiên tước” - chức của Trời ban, bản thân các cụ và con cháu đều lấy làm tự hào về niềm hạnh phúc lớn lao. Ngày nay cuộc sống khá hơn ngày trước rất nhiều, nên số các cụ Thượng Thọ cũng ngày một nhiều hơn. Nhiều cụ Thượng trông còn phương phi và rất minh mẫn. Khi vào các gia đình ở Yên Hưng, thấy trong gian thờ treo bức đại tự cổ và cả những bức còn tươi màu, trình bày nào “Tân Xuân Khánh Thọ”, nào “Thọ Khánh Xuân Nghinh”, rồi ”Thọ Kiện Minh”… hoặc bức biểu tượng chữ Thọ hay bức tranh lớn vẽ cụ già râu tóc bạc phơ như một tiên ông chống cây gậy trúc tạc đầu rồng giữa bầy cháu thơ dâng quả đào tiên… Đó là các gia đình đó đã từng có Cụ Thượng.

Như vậy, với ý nghĩa để truy ơn công đức người xưa khai canh lập ấp, lễ hội Tiên Công chính là “Lễ hội Rước Người”, đề cao tinh thần kính trọng tuổi già, “kính lão đắc thọ”. Rước Người tuổi hạc lên tạ ơn Trời Đất, Tổ tiên, nhưng cũng chính là như nói như hãnh diện trước họ hàng, làng tổng rằng dòng họ tôi, gia đình tôi đã được phúc ấm!… Tuổi vàng 80 thực sự là một “kỳ thi” khó vượt, một quả hạnh của những gia đình nào có được “ngôi sao chiếu thọ”. Không ít cụ ở quê nhà hoặc ở nơi xa nóng lòng chờ đầu năm mới, đến ngày mồng 7 tháng Giêng; nhưng bất ngờ tạ thế trong hoặc trước ngày mồng 6, coi như “trượt kỳ thi”! Con cháu vô cùng hụt hẫng, tiếc nuối! Tuổi 80 thực sự như một đích lớn ở cuộc đời mỗi con người vùng đất này khát vọng vươn lên cùng cộng đồng phấn đấu bằng lao động, bằng trí tuệ, bằng lòng ăn ở đạo đức nghĩa nhân. Vì lẽ đó, lễ hội Tiên Công là sự thể hiện sự gắn kết song tồn của hai lớp văn hoá là tín ngưỡng thờ Tiên Công và tôn vinh các bậc lão niên (lễ Rước Thọ trong lễ hội Tiên Công). Sự song tồn này không thể tách rời bởi lễ hội Tiên Công không thể thiếu lễ Rước Thọ (rước các cụ Thượng từ nhà đến đền Thập cửu Tiên Công) và nó diễn ra tự nhiên trong dân gian. Chưa ai biết rõ sự song tồn của hai lớp văn hoá này có từ bao giờ, song có thể khẳng định rằng sự song tồn này sẽ duy trì lâu dài và tạo nên điểm riêng biệt, độc đáo của tín ngưỡng và lễ hội Tiên Công ở vùng đảo Hà Nam.  Lễ hội Tiên Công là lễ hội Rước người độc đáo có một không hai tại Việt Nam tôn vinh đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và đề cao tinh thần “kính lão đắc thọ” của người Việt Nam, cũng là nơi gửi gắm khát vọng từ bao đời của người dân Yên Hưng. Đó chính là dấu ấn “Thiên tước”, là tấm “Huân chương của Trời” đã ban cho mà không phải nhà nào cũng có được. Nó cũng chính là kết quả một đời người và cũng là giá trị trường tồn của phong tục, của văn hoá vùng đất Hà Nam!

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Vũ Thị Bích Duyên

Thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên - Giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, Trường Đại học văn hóa TP.HCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Quản lý DT-TC Quảng Ninh (2002),  Di tích danh thắng Quảng Ninh (tập1).

2. Bùi Xuân Đính (1995),  "Về số lượng" Tiên Công "ở khu Hà Nam (Yên Hưng- Quảng Ninh) qua một số văn bản Hán nôm",  Những phát hiện mới về khảo cổ học- 1995.

3. Đỗ Lan Phương (2000), Hội Thập cửu Tiên Công, (Báo cáo khoa học- Viện Văn hoá Thông tin).

4.Lê Đồng Sơn (2008), Văn hóa Yên Hưng lịch sử hình thành và phát triển, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh (1989), Lý lịch di tích đền Thập cửu Tiên Công.

6. Bùi Thiết (2000), Từ điển lễ hội Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin.

7. Viện Sử học (Bản dịch) (1993), Đại Việt sử ký toàn thư,  Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội

8. Huy Vu - Trần Lâm, "Thông báo về cuộc điều tra nghiên cứu các làng xã thuộc khu Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên", Nông thôn Việt Nam  trong lịch sử (tập I), tr. 345- 371, Viện Nghiên cứu sử học Uỷ ban KHXH xuất bản 1978.

 

Share:

Tags: Law, Juggement, lawyer, Cases