Hoạt động 6 tháng đầu năm có nhiều dấu hiệu đáng mừng, khởi sắc, hứa hẹn việc hoàn thành công tác 6 tháng cuối năm đạt chất lượngvà hiệu quả cao”. Đây là lời phát biểu của Bà Lê Tú Cẩm, Ủy viên Ban thường vụ Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM tại Hội nghị.
Sáng ngày 8/7/2022, tại Phòng họp số 2 Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - Số 164 Đồng Khởi, quận 1 - Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa TP.HCM đã diễn ra cuộc họp mở rộng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đến tham gia dự có các đồng chí: Ông Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM; Bà Lê Tú Cẩm - Ủy viên Ban thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM; cùng các đồng chí trong BCH Hội Di sản văn hóa TP.HCM, các Chi hội trưởng Chi hội trực thuộc Hội Di sản văn hóa TP.HCM.
Đọc và trao Quyết định hội viên
Trong không khí trang trang, nghiêm túc và ấm cúng của Hội nghị, thay mặt cho BCH Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Bà Lê Tú Cẩm đọc và trao 2 Quyết định của Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho Ông Trần Thế Thuận - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM về việc tham gia Ban chấp hành Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời biểu quyết 100% tán thành bầu ông Trần Thế Thuận vào BCH Hội Di sản văn hóa TP.HCM và giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Bảo.
Ông Trần Thế Thuận xúc động cảm ơn BCH Hội DSVH Việt Nam, BCH Hội DSVH TP.HCM đã ủng hộ, tín nhiệm giao nhiệm vụ. “Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ngành VHTT nói chung đặc biệt là DSVH vẫn có hoạt động nổi bật, những đề án, giải pháp về mặt khoa học làm nền tảng sau này khi kết thúc dịch bệnh sẽ là định hướng cho những hoạt động sau này. Có 2 đề án lớn Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã triển khai: “Chiến lược phát triển về văn hóa TP đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035”; “Chiến lược thể dục thể thao” thì có 12 đề tài đặc biệt là những đề tài liên quan đến việc Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa... Cảm ơn sự ủng hộ, hỗ trợ của Hội, các chi hội cho tôi trong thời gian qua, và trong thời gian sắp tới để tôi làm tròn vai trò của BCH của TP, của TW Hội và đặc biệt là có sự gắn bó - để làm sao Hội và Sở xem như là một trong câu chuyện di sản văn hóa của TP”.
Đẩy mạnh công tác phối hợp các Chi hội
Thay mặt BCH Hội Di sản văn hóa TP.HCM, Bà Trần Thị Thúy Phượng - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Chánh văn phòng đã đọc báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2022, trong đó:
- Về Công tác tổ chức - xây dựng và phát triển Hội: Tổ chức ĐH Đại biểu nhiệm kỳ III (2021-2026); UBND TP đã phê duyệt Điều lệ Hội Di sản văn hóa TP.HCM (sửa đổi, bổ sung). Hiện nay, tổng số lượng 710 hội viên sinh hoạt tại 24 chi hội và 5 CLB, trong đó có 4 chi hội được thành lập trong năm 2021 và 2022 (Chi hội Báo chí - Truyền thông; Chi hội Bảo tàng Biệt động Sài Gòn; Chi hội Du lịch DSVH TP.HCM; Chi hội kết nối văn hóa trà Việt).
- Về hoạt động tuyên truyền - phát huy giá trị Di sản văn hóa: Có 3 hoạt động tiêu biểu cấp Hội phối hợp với các Chi hội: Chi hội Bảo tàng Áo dài, Chi hội Đông Phương cổ truyền, Chi hội Du lịch DSVH TP.HCM, Chi hội Lăng Lê Văn Duyệt, trong đó Chi hội Đại học Văn hóa TP.HCM phối hợp cùng Bảo tàng Áo dài tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa: ra mắt Câu lạc bộ Quan Họ và Câu lạc bộ Hát Ru sinh viên Đại học Văn hóa tại Bảo tàng Áo dài; Đưa sinh viên tham gia trình diễn lịch sử Áo dài tại sự kiện “Áo Dài – Batik, nơi Di sản hội tụ” do Tổng lãnh sự quán Indonesia tổ chức.
Cùng 7 hoạt động nổi bật, thiết thực khác của các Chi hội như: Chương trình giao lưu với Cựu tù chính trị với chủ đề “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”; Tri ân các chiến sĩ, y bác sĩ tham gia phòng chống dịch Covid-19 bằng ca khúc vọng cổ “Ranh Giới” do Tiến sĩ Lê Hồng Phước sáng tác và trình bày; Tiếp nhận hiện vật áo dài của y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện 115 và Đại sứ áo dài thành phố Hồ Chí Minh – MC Quỳnh Hoa; Giao lưu văn hóa “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh”; Tham gia biểu diễn giới thiệu Di sản Văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử trong trang phục áo dài tại Lễ hội Áo dài TP.HCM lần VIII năm 2022; Phối hợp các trường trung học ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long tổ chức lớp bồi dưỡng nghệ thuật Đờn ca tài tử,...
- Về hoạt động nghiên cứu khoa học: với 8 hoạt động tiêu biểu tập trung vào tổ chức hội nghị chuyên đề; khảo sát đánh giá giá trị lịch sử - văn hóa các công trình, địa điểm; giúp các Bảo tàng xây dựng các đề án mở rộng hoạt động;...
Ngoài ra, Hội nghị cũng đã được nghe báo cáo về công tác kiểm tra, công tác tài chính của Hội trong 6 tháng đầu năm.
Bà Lê Tú Cẩm đọc và trao quyết định cho Ông Trần Thế Thuận. Ảnh: Hoàng Bảo.
Ngày hội DSVH Việt Nam phải thật sự ý nghĩa, thu hút
Một số hoạt động trong 6 tháng cuối năm được tập trung vào Xây dựng - Củng cố tổ chức Hội; Hoạt động nghiên cứu khoa học; Hoạt động tuyên truyền - phát huy giá trị Di sản văn hóa; Hoạt động đối ngoại và tham gia quản lý; Công tác Tài chính; Công tác kiểm tra, thi đua khen thưởng. Theo Ông Trần Thế Thuận, Hội và Sở sẽ ký Kế hoạch phối hợp tổ chức Ngày hội DSVH Việt Nam 23/11 tổ chức tại Bảo tàng Áo dài, trong đó có tọa đàm, giao lưu, có gian hàng cho từng Chi hội, CLB trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; mời một số Nhà hát Phương Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang,... tham gia. Đây là hoạt động thu hút hội viên, người dân TP.HCM - vốn được tập hợp từ nhiều tỉnh, thành phố, nhiều dân tộc sinh sống - để cùng nhau hưởng một Ngày hội thật ý nghĩa.
Một số ý kiến, đóng góp nổi bật
Các Chi hội thống nhất cao nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Hội. Bên cạnh đó, một số Chi hộicũng có nhận định, đánh giá và báo cáo phương hướng triển khai hoạt động Chi hội theo các chủ trương của Hội.
Ông Phan Cao Bình - Chi hội Đông Phương Cổ truyền: Thông qua báo cáo của BCH Hội, nhận thấy công tác văn phòng của Hội còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Chi hội sẽ cố gắng tiên phong, phối hợp với văn phòng Hội thực hiện tốt một số công tác văn phòng. Đồng thời từ những hoạt động đầu năm như Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào mô hình du lịch sức khỏe”, Chi hội sẽ triển khai các hoạt động gắn liền với việc kết hợp các Chi hội mở rộng, đẩy mạnh mô hình chăm sóc sức khỏe và du lịch sức khoẻ.
Ông Trần Sung - Trưởng ban quý tế Lăng Lê Văn Duyệt, Chi hội Lăng Lê Văn Duyệt: Chi hội đã phối hợp tốt với Văn phòng Hội; một số địa phương và CLB trực thuộc Hội có sự liên kết, hợp tác nhằm triển khai một số hoạt động trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Minh Khoa - Chi hội phó Chi hội Du lịch DSVH TP.HCM đã có sự chia sẻ về các công tác trong lĩnh vực du lịch. Qua đó nhận thấy, hội viên cần nhiều chế độ ưu đãi, vì vậy Hội có thể có các chế độ như: miễn phí tham quan vào các Bảo tàng,... Và nội dung ý kiến này đã được áp dụng, thực hiện trong Điều lệ của Hội từ khi Hội ra đời.
Bà Huỳnh Thanh Vân - Ủy viên Ban thường vụ Hội Di sản văn hóa TP.HCM, Chi hội trưởng Chi hội Bảo tàng Áo dài: Trong những năm gần đây, các công ty, doanh nghiệp đã có sự quan tâm nhiều hơn các hoạt động của Hội. Do đó, chúng ta cần chú trọng triển khai, nâng cao hoạt động xã hội hóa hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ chủ nhiệm CLB dân ca Tây Bắc Hoa Ban: trong thời gian qua, CLB đã có nhiều hoạt động truyền dạy loại hình Đàn tính hát then. Trong thời gian tới, Hội quan tâm nhiều hơn và tổ chức những điểm biểu diễn để không chỉ Đàn tính hát then nói riêng mà các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc nói chung.
Bà Thanh Tâm chủ nhiệm CLB Quan họ Bắc Ninh “Đến hẹn lại lên”: Cùng với việc tham gia hoạt động của Hội, 6 tháng đầu năm, CLB vẫn chú trọng nhiều đến 2 hoạt động chính là truyền dạy và biểu diễn, thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn của CLB, trong đó nổi bật là tham gia biểu diễn giới thiệu giới Di sản Văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ Bắc Ninh trong trang phục áo dài tại Lễ hội Áo dài TP.HCM lần VIII năm 2022. Nếu được trong thời gian tới, Hội quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động biểu diễn được mở rộng hơn.
Chị Đậu Thị Thanh Hiếu chủ nhiệm CLB Ví dặm: tiếp tục tiên phong trong các chương trình của Hội. Bên cạnh đó, CLB muốn tham gia trực tiếp vào các chương trình nghệ thuật của Hội và các Chi hội bạn.
Nhiều dấu hiệu đáng mừng, khởi sắc hứa hẹn những thành công
Bà Lê Tú Cẩm đã nhận định công tác 6 tháng đầu năm và nhấn mạnh một lần nữa công 6 tháng cuối năm. Với những hoạt động nổi bật trong 6 tháng đầu năm, Hội đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong đó có việc ghi nhận các Chi hội đã liên kết, phối hợp cùng nhau để tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi ý nghĩa thiết thực cho các hội viên, đóng góp vào việc xây dựng và phát triển văn hóa TP.HCM,... đã làm được việc tiếp cận với công nghệ sau khi dịch giảm thông qua Hội nghị chuyên đề ứng dụng kỹ thuật số trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cũng có lại được trang Web Hội, Phát hành được thẻ hội viên mới,... Nhìn chung, những thành tựu trên đã tạo nền tảng vững chắc, tạo được khí thế để Hội tiếp tục triển khai có hiệu quả tiếp các hoạt động. Trong 6 tháng cuối năm, việc tập trung các hoạt động ngoại giao được đẩy mạnh (Bảo tàng Đồng Tháp,...); cần phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như hát bội, cái lương, múa rối nước... Đối với hoạt động chính là tổ chức Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, cần tạo sự lan tỏa trong nhân dân hiểu biết thêm về ngày 23/11.
Để tổng kết hội nghị, Bà Lê Tú Cẩm đã biểu dương và chia sẻ, nhân tố quyết định sự thành công của hoạt động Hội vẫn là sự nhiệt tình tham gia, dành thời gian và công sức của từng hội viên trong Hội.
Bài: Hoàng Nhung - UV. BCH Chi hội DSVH trường ĐH. Văn hóa TP.HCM.