Lê Thuận- Cựu sinh viên Văn hóa học 7 - Chuyên ngành Văn hóa Việt Nam (Khóa 2013 -2017).
Sau ba năm ra trường, Thuận từng trải qua các vị trí công việc như: Content Development Specialist tại Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng; Copywriter cho các khách hàng riêng về những lĩnh vực: Apple Pie Kindergarten (giáo dục), Galuti Shoemaker (thời trang), WECARE 247 (y tế), ...
Hiện cô là Content Planner/Freelance Copywriter cho một số công ty. Với Thuận, những kiến thức, kỹ năng được trang bị từ ngành Văn hóa học, chuyên ngành Văn hóa Việt Nam đã mang đến rất nhiều thuận lợi cho công việc hiện tại của cô.
Cùng lắng nghe những chia sẻ của Thuận về khoảng thời gian mang lại nhiều cảm xúc và trải nghiệm dưới mái nhà Văn hóa học:
Ấn tượng về ngành Văn hóa học, chuyên ngành Văn hóa Việt Nam
Ba 3 năm ra trường, ngoảnh lại như một cái chớp mắt, cụm từ “Văn hóa học” mỗi khi vang lên là cả vùng ký ức dịu hiền, đầy cảm xúc, đặc biệt vì tôi là “đứa con” bước ra từ mái nhà Văn hóa học, chuyên ngành Văn hóa Việt Nam - Khóa 7 thuộc Đại học Văn hóa TP.HCM.
Những “đứa con” bước ra từ mái nhà Văn hóa học
Ba ấn tượng khó quên nhất trong quá trình gắn bó với ngành Văn hóa học (tôi nghĩ không phải của riêng mình mà còn của nhiều bạn học cùng ngành). Một là, trước khi khi vào nhập học năm Nhất, mọi người đều hỏi đại khái câu “ủa học ngành đó lạ quá, ra trường khó tìm việc”. Hai là, xuyên suốt quá trình học hầu như ai cũng thắc mắc “học ngành này mai mốt ra làm ở Xã, làm công tác cộng đồng, ... cực lắm, khổ lắm”. Ba là, giai đoạn sắp tốt nghiệp ra trường và mới ra trường “ngành này ít ai tuyển dụng lắm, lương thấp lắm”. Thời điểm này tôi đã đi làm 3 năm ở lĩnh vực Marketing, cụ thể là Copywriter ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có một số thành công nhất định.
Vào nghề Copywriter cùng những cộng sự
Nghĩ lại thấy vui vì những nhận định của mọi người về ngành Văn hóa học, vì đôi khi những quan điểm chưa đúng đó lại là động lực để mình có bước tiến mạnh dạn hơn, để khẳng định và phát triển thương hiệu của ngành và của cả bản thân.
Khi bước vào hành trình đó, chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể song hành thực hiện hai mơ ước lớn trong một khoảng thời gian: Tốt nghiệp đại học một ngành mà mình thích và tìm hiểu về con người, dân tộc, quê hương Việt Nam nơi mình sinh ra, vì tôi là kẻ yêu màu da vàng, tiếng nói và yêu đất nước hình chữ S đặc biệt này. Ngành Văn hóa học cho tôi thực hiện hai giấc mơ đó một cách trọn vẹn.
Ký ức những ngày học hành, gắn bó với Khoa hiện về rõ nhất là những bài giảng của học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học, Văn hóa Nam Bộ, Văn hóa ẩm thực, Tiếng Việt thực hành, Cơ sở văn hóa Việt Nam, … Là miệt mài ở thư viện, họp nhóm và đi nhiều nơi trong thành phố để nghiên cứu và làm bài.
Đó là những tiết học mà chúng tôi luôn được khuyến khích nói lên quan điểm của cá nhân, được tôn trọng, được là chính mình trong những suy nghĩ, hành động. Và khó quên với những giờ thực hành đầu tư mà cả nhóm cùng thức khuya dậy sớm để thực hiện.
Với bản thân mình thì tôi thích những chuyến đi điền dã, đi thật xa để sống những ngày thật khác lạ, nửa tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con người Mạ (Đắk Nông). Một tháng sinh hoạt, ghi chép, nghiên cứu về cách ngành nghề, văn hóa lối sống tại Cù lao An Bình (Vĩnh Long), thầy trò lang thang trên những chiếc xe máy đi đến Cần Giờ để tìm hiểu về lễ hội Nghinh Ông, … và rất rất nhiều những chuyến đến rất nhiều địa điểm lịch sử, văn hóa khác để hiểu sâu sắc về giá trị văn hóa mà nơi đó mang lại.
Chắc chắn còn một điều nữa mà sinh viên Văn hóa nào cũng ấn tượng là học phần Quân sự đúng nghĩa và những buổi giao lưu văn hóa được tổ chức hoành tráng tại hội trường C (Cơ sở 1). Những khoảng thời gian đầy cảm xúc, tươi đẹp dù đã qua nhưng mai này có đi đến đâu trên hành trình dài rộng ngoài kia tôi cũng không bao giờ quên.
Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn Văn hóa học
Tốt nghiệp, các nhà tuyển dụng ở nhiều công ty thường hỏi tôi một câu khi cầm CV (Curriculum Vitae - bản tóm tắt thông tin cá nhân) “ngành Văn hóa học, cụ thể là chuyên ngành Văn hóa Việt Nam mang đến cho em những lợi thế gì so với các ứng viên khác?”, thú thực thời điểm mới ra trường với tôi đó là một câu hỏi khó nhưng tôi luôn có cách trả lời cho riêng mình. Trong quá trình làm việc, cụ thể là một Biên tập viên (vị trí ở công ty đầu tiên khi mới ra trường) tôi nhận thấy mình có tư duy logic trong một vấn đề, biết cách khai thác sâu, rộng để làm sáng tỏ một cách thuyết phục bằng con chữ để hiệu quả công việc luôn chất lượng.
Áp dụng kiến thức, kỹ năng ngành Văn hóa học vào công việc
Ở những công ty tiếp theo, hay những khách hàng của riêng mình tôi vẫn luôn áp dụng rất nhiều kiến thức được học tại Khoa Văn hóa học để làm việc và giao tiếp. Sẽ có rất nhiều giá trị chúng ta được cảm thụ trong quá trình học nhưng đôi khi ta ít nhận thấy, nó giúp ích nhiều trong cuộc sống. Ví dụ tôi cảm thụ được sự cởi mở khi nhìn một vấn đề từ thầy cô, bạn bè trong Khoa, tư duy logic, cái nhìn sâu sắc hơn. Và khi học sâu về văn hóa, con người Việt Nam tôi áp dụng tốt hơn vào việc thấu hiểu tâm lý khách hàng Việt Nam trong những sản phẩm của mình và công ty.
Đó là những thành công nhất định mà tôi có được ngày hôm nay, một phần không nhỏ đó chính là nhờ quá trình trau dồi kiến thức tại mái nhà Văn hóa học.
Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn Văn hóa học vì đây là một trải nghiệm đẹp trong đời với một cô gái tha thiết yêu văn hóa dân tộc, hơn nữa là áp dụng được những điều mình học vào công việc hiện tại là một hạnh phúc lớn. Vì điều đẹp đẽ đó, tôi sẽ quy ước trong tôi có một “di sản” mang tên Văn hóa học 7.
Bài và ảnh: Lê Thuận-Cựu sinh viên khoa Văn hóa học (khóa 2013-2017)
Ban Truyền thông Khoa VHH