Để có được một chuyến đi tốt đẹp và ý nghĩa như vừa qua, đó chính là nhờ sự hướng dẫn tận tình của hai giảng viên bộ môn ThS. Nguyễn Thị Phà Ca và ThS. Nguyễn Hoài Anh. Chuyến đi này đã được chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo, vì mỗi người đều ý thức được rằng, đây không phải là chuyến đi thông thường mà chúng tôi đang làm mới mình bằng sự trải nghiệm. Đây cũng là dịp để các bạn tự định hướng lại nghề nghiệp của mình và chuẩn bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để làm một cán bộ Văn hóa tốt hơn.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, thời gian chúng tôi mong chờ nhất cũng đến. Tạm gác lại những giờ học căng thẳng, 6h30 ngày 11 tháng 9 năm 2019 lớp chúng tôi đã tập trung đông đủ và hăng hái trước cổng trường Đại học Văn hóa TP.HCM chuẩn bị lên đường. Cả lớp lên xe và tìm cho mình chỗ ngồi thích hợp và sau khi mọi thứ ổn định, đúng 7h00 xe bắt đầu lăn bánh đưa chúng tôi đến vùng đất xứ Dừa.
Đồng hành cùng chúng tôi có ThS. Nguyễn Thị Phà Ca - một cô giáo nhiệt huyết trên giảng đường và nhiệt tình trong chuyến hành trình. Cô đã mang đến cho chúng tôi sự thân thiện bởi những lời dặn dò đầy tình cảm. Với sự trẻ trung, nhiệt huyết của ThS. Nguyễn Hoài Anh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre, giảng viên thỉnh giảng, đã xóa tan sự e ngại ban đầu của học viên chúng tôi. Nhiều tiết mục văn nghệ đã bắt đầu diễn ra trên sân khấu di động, một không khí sôi nổi, vui tươi mà những người bạn đồng hành đã trao gửi trong suốt hành trình. Không chỉ thế, có những bạn trên lớp rất trầm tính nhưng trong chuyến đi này các bạn đã mang đến cho lớp rất nhiều sự ngạc nhiên, bởi những giọng ca rất hay, những trò hóm hỉnh trên xe và những câu chuyện hài hước. Làm quãng đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bến Tre như rút ngắn lại.
Sau hai giờ khởi hành, chúng tôi đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre. Vừa xuống xe chúng tôi đã có cảm giác gần gũi và thân quen vì các anh chị, cô chú ở trung tâm chào đón chúng tôi rất nhiệt tình, cùng với những nụ cười và cái bắt tay kết nối mọi người với nhau. Tại đây, Ban Lãnh đạo Trung tâm đã chia sẻ cho chúng tôi những bài học quý giá, những kiến thức chuyên môn về ngành Văn hóa nói chung và những vấn đề liên quan đến nội dung của học phần Quản lý nhà nước về văn hóa 2 nói riêng; một số tình huống và cách xử lý tình huống trong thực tiễn. Sau đó, chúng tôi được thầy Nguyễn Hoài Anh và đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu về cơ sở vật chất, nguồn xã hội hóa,…và nhiều thông tin bổ ích khác.
Ban Lãnh đạo Trung tâm gặp gỡ và trao đổi với tập thể lớp những vấn đề liên quan đến nội dung của học phần Quản lý nhà nước về văn hóa 2
ThS. Nguyễn Hoài Anh giới thiệu cơ sở vật chất của Trung tâm
ThS. Nguyễn Hoài Anh hướng dẫn lớp tham quan cơ sở vật chất Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre
Thời gian quý báu trong chuyến thực tế này, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội di chuyển đến Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để học hỏi thêm kinh nghiệm về mô hình quản lý nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và tài chính của trung tâm. Qua những lời chia sẻ của ông Phạm Văn Diệu - Chủ tịch UBND xã Quới Điền, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết và sự cống hiến rất lớn của lãnh đạo và tập thể đơn vị để Trung tâm ngày một khởi sắc hơn.
Ông Phạm Văn Diệu, Chủ tịch UBND xã Quới Điền (áo trắng) giới thiệu mô hình hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
Học viên tham quan Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Quới Điền
Điểm đến kế tiếp của chúng tôi là Lăng Ông Nam Hải. Trong lăng thờ lưu giữ hai bộ xương cá Ông nặng hàng chục tấn. Được biết, hằng năm lễ hội Nghinh Ông được tổ chức linh đình vào thàng Giêng.
Xương cá Ông được bảo quản trong lăng thờ
Tập thể lớp tham quan Lăng Ông Nam Hải tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
Sau một ngày được học tập trong chuyến đi thực tế, chúng tôi ngồi lại bên nhau để thưởng thức bữa cơm thân mật và cùng chia sẻ cảm nhận chuyến đi xa này. Có lẽ, đây là những khoảnh khắc vô giá về sự trải nghiệm đầy trân quý. Trước đó, trong chúng tôi ai cũng đã trải qua những chuyến đi cùng tập thể có, gia đình có và cả chuyến đi cùng đồng nghiệp. Thế nhưng, sau chuyến hành trình này là hạnh phúc, là ký ức đẹp và lẽ dĩ nhiên, đây không chỉ là cơ hội để chúng tôi học tập, để mỗi người tự hoàn thiện bản thân và rút kinh nghiệm để làm việc tốt hơn, mà đây còn là những giây phút tuyệt vời của tập thể lớp, bởi nó mang lại niềm vui, tình yêu thương và còn gắn kết tình thầy trò cũng như gắn chặt ba mươi trái tim gần lại với nhau hơn.
Kết thúc chuyến đi thực tế
Cuộc vui nào rồi đến lúc cũng kết thúc, chia tay vùng đất xứ Dừa với sự lưu luyến bởi những cảm xúc ấm áp, gần gũi từ cái tình, cái tâm của con người Bến Tre. Tập thể lớp Liên thông Đại học QLVH 10 thầm nói lời cảm ơn Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú đã chào đón và chia sẻ những bài học vô cùng bổ ích; cảm ơn Cô Nguyễn Thị Phà Ca, thầy Nguyễn Hoài Anh đã truyền lửa cho chúng em trong chuyến đi thực tế này; cảm ơn Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật đã cung cấp một học phần ý nghĩa giúp chúng em có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu trong công tác. Cảm ơn những người bạn đồng hành, chúng ta đã cùng nhau viết nên một kỷ niệm đẹp, một dấu ấn khó phai tại ngôi trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
Dư âm chuyến hành trình này sẽ còn lưu mãi trong trái tim của ba mươi lữ khách nhiệt huyết, và chuyến xe này sẽ tiếp tục lăn bánh đưa chúng ta đến nhiều vùng đất mới và cùng nhau về đích an toàn. Để rồi cùng hạnh phúc sau mỗi cuộc hành trình./.
Bài: Kim Trầm
Ảnh: Thanh Tùy - HV Lớp LTĐH. QLVH 10