SUY NGHĨ VỀ NỘI DUNG PHÊ BÌNH VÀ SỬA CHỮA TRONG TÁC PHẨM
“SỬA ĐỔI LỔI LÀM VIỆC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 50 NĂM TRƯỚC
Nguyễn Quốc Hùng
Khoa: LLCT&KTĐC
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình nhìn một cách tổng quát chính là phương thức để hoàn thiện bản thân của tất cả mọi người, và vì thế, là một phương thức xây dựng con người mới, xã hội mới. Thực hiện tự phê bình và phê bình là đang thực hiện việc làm chủ bản thân, điều chỉnh hoạt động của bản thân một cách tự giác. Tự phê bình mình và phê bình người khác để cùng trở nên tốt đẹp hơn, phản ánh quan hệ hợp tác giữa mọi người trong hành động. Sau này Người còn nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi một con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[1].
Phê bình thể hiện bản lĩnh và phẩm chất của Đảng viên là ở chỗ có đủ khả năng và dũng khí nhìn ra và sửa chữa những sai lầm khuyết điểm của mình. Hồ Chí Minh viết: “Một Đảng mà dấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn và chân chính”[2].
Đã có khuyết điểm thì phải kiên quyết sửa chữa. Người cho rằng, khuyết điểm là căn bệnh nguy hiểm, thậm chí là “kẻ địch bên trong”. Người chỉ rõ: “Mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Muốn nhận ra và sửa chữa khuyết điểm của mình thì cần thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là thuốc chữa bệnh, là vũ khí trừ kẻ địch bên trong. Bác viết: “Thang thuốc hay nhất là thiết thực tự phê bình và phê bình”[3]; “Chúng ta phải ráo riết tự phê bình và phê bình để giúp nhau chữa hết những bệnh ấy”[4]. Tự phê bình và phê bình theo nghĩa ấy có thể coi là luật phát triển của Đảng.
Theo Hồ Chí Minh, “Tự phê bình là nêu ưu điểm vạch khuyết điểm của mình”; “Phê bình là nêu ưu điểm vạch khuyết điểm của đồng chí mình”; “Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”[5]. Đây là mối quan hệ biện chứng. Nếu bản thân mình không thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình thì cũng như tấm gương mờ, làm sao có thể thấy và phê bình cho đúng khuyết điểm của đồng chí. Tự phê bình cũng chính là phê bình, là tự tách mình ra khỏi mình để nhìn lại mình, thấy ra ưu điểm và khuyết điểm để sửa chữa. Còn phê bình cũng lại là tự phê bình, bởi qua phê bình đồng chí mà mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện đồng thời nhìn lại mình một cách đầy đủ hơn.
Hoạt động tự phê bình và phê bình đối với Đảng có ý nghĩa rất quan trọng. Song nó chỉ thật sự có ý nghĩa nếu nó được tiến hành một cách thiết thực, có hiệu quả. Ngược lại, nếu hoạt động ấy được tiến hành một cách hình thức, thậm chí bị lợi dụng vì những mục đích không chính đáng thì bản thân nó đã là khuyết điểm và sẽ làm cho những khuyết điểm trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, khi nhấn mạnh vai trò của tự phê bình và phê bình như là luật phát triển Đảng, Hồ Chí Minh đã chú trọng làm rõ những nội dung cơ bản của tự phê bình và phê bình. Mục đích của tự phê bình và phê bình là: Với tổ chức, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”[6]; “để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”[7]. Nếu đoàn kết làm nên sức của Đảng thì tự phê bình và phê bình có thể coi là một cội nguồn sức mạnh của Đảng. Với các đảng viên, mục đích của tự phê bình và phê bình “một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau”[8]; “là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”[9].
Phê bình theo Hồ Chí Minh phải xuất phát từ lòng thương yêu đồng chí hết mực. Nét nhân văn sâu sắc trong truyền thống của dân tộc được nâng lên một chất mới dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành tinh thần cơ bản của tự phê bình và phê bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác viết: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ”[10]. Phê bình phải đúng đối tượng. Theo Hồ Chí Minh, đó là “phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”[11]. Bác chỉ rõ: “Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? làm thế nào mà sửa chữa?”[12].
Phê bình phải có phương pháp. “Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”[13]; làm cho người được phê bình tự mình thấy ra khuyết điểm để từ đó tự sửa chữa, tức là tự giác, vui lòng thành tâm sửa đổi chứ không phải “bị cưỡng bức mà sửa đổi”. Có như thế phê bình mới đạt mục đích, mới có tác dụng thực sự. Người nhấn mạnh phê bình cốt để sửa chữa, cốt để giúp nhau tiến bộ, do đó không được “làm đồng chí khó chịu, nản lòng”[14]. Người được phê bình cần có tinh thần cầu thị, “thật thà cố gắng tự sửa chữa”, “phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”[15]. Thái độ khi được phê bình cũng là biểu hiện của bản lĩnh của người cộng sản.
Theo Hồ Chí Minh: “Phê bình đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”[16].
Muốn thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, cần phải tạo ra một bầu không khí dân chủ. Trong nội bộ Đảng, trách nhiệm đó trước hết thuộc về người lãnh đạo. “Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình..., thế là một hiện tượng xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thể là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản”[17]. Tất nhiên, theo Hồ Chí Minh dân chủ phải đi liền với tập trung. Dân chủ là để đi tới tập trung, còn tập trung phải đặt trên nền dân chủ.
Không chỉ thực hiện tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng mà cần phải mở rộng tự phê bình và phê bình vào trong nhân dân. Phải lắng nghe ý kiến của nhân dân. Đó cũng là dân chủ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và sửa chữa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn và vẫn còn nguyên tính thời sự hôm nay để chúng ta vận dụng, học tập.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 557-558.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 261.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 261-262.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 267.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 267.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 239.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 239.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 239.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 267.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 282-283.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 232.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 283.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 244.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 267.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 232.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 284.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 280.