Đã một tuần trôi qua, nhưng những dấu ấn trong buổi giao lưu văn hóa Việt-Nhật vẫn còn đọng lại trong trái tim của thầy cô giáo và những sinh viên khi tham dự sự kiện này. Những tiết mục biểu diễn nghệ thuật của Sinh viên Đại học Văn hóa TP.HCM: Múa Đất phương Nam và trình diễn thời trang với bộ sưu tập Hương sắc Việt Nam không những đã để lại rất nhiều những ấn tượng đẹp cho những người bạn Nhật Bản, với sinh viên các trường đại học có mặt trong buổi giao lưu mà còn để lại trong lòng các sinh viên trực tiếp tham gia biểu diễn những cảm xúc tự hào, dạt dào khó tả khi đã góp phần giới thiệu được những nét Văn hóa đặc sắc của Đất nước và con người Việt Nam.
Những tiết mục đặc sắc của Sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa, Nghệ thuật trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã thu hút tất cả các ánh mắt và sự quan tâm của những ai có mặt trong sự kiện
Đáp lại tình cảm đó, các bạn đến từ Nhật Bản cũng mang đến nhiều phần trình diễn đặc sắc, vui nhộn cho chương trình qua các ca khúc, vũ đạo và võ thuật.
Những tiết mục ấn tượng và đậm chất văn hóa của sinh viên Nhật Bản
Chương trình còn để lại nhiều khoảnh khắc đẹp và nhân văn mà hiếm khi các sinh viên có dịp trải nghiệm. Nguyễn Tấn Thành sinh viên lớp Đại học Quản lý văn hóa 11.3 (chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật) tâm sự: “phần biểu diễn của họa sĩ Lê Minh Châu đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Anh Lê Minh Châu là một nạn nhân của chất độc màu da cam, anh bị liệt cả 2 tay và 2 chân, nhưng không vì thế anh từ bỏ khát vọng “Vì một thế giới đẹp tươi”. Trên sân khấu, anh đã vẽ tranh bằng… miệng. Sau phần biểu diễn, anh đã tặng lại bức tranh cho Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM. Cả hội trường như vỡ òa khi chứng kiến thêm một hành động thật nhiều cảm xúc nữa, khi ông Kawaue – Tổng Lãnh sự Nhật Bản đã “thấp mình” để nhận bức tranh của anh Lê Minh Châu.”
Họa sĩ Lê Minh Châu vẽ tranh bằng ...miệng
Hình ảnh Tổng Lãnh sự Nhật Bản Kawaue nhận bức tranh do họa sĩ Lê Minh Châu tặng làm cho nhiều người ấn tượng
Sinh viên Tô Thị Thủy Tiên một trong các sinh viên tham gia biểu diễn trong tiết mục thời trang cho biết “Ngày hội giao lưu Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao mang đến cho chúng tôi - những người tham gia sự kiện nhiều cảm xúc, nhiều sự trải nghiệm quý giá, giúp chúng tôi hiểu thêm văn hóa Nhật Bản, hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam. Và nhận ra sự giao lưu văn hóa cũng đã tạo nên sản phẩm nghệ thuật tuyệt vời như “Áo dài hoa vải Tsumami”chẳng hạn”.
Nét đẹp thanh lịch của sinh viên Đại học văn hóa
Truyền thống Văn hóa và tính Nhân văn đã làm nên văn hóa của hai dân tộc và đó còn chính là chất xúc tác tuyệt vời để hai dân tộc gắn bó với nhau cho đến hôm nay và mối quan hệ tốt đẹp này chắc chắn sẽ được đơm hoa kết trái trong tương lai với những “mùa vàng” bội thu được vun trồng từ chính các thế hệ sinh viên hôm nay trong đó có các bạn trực tiếp tham gia sự kiện hôm nay. Và hôm nay sinh viên Đại học Văn hóa TP.HCM rất tự hào vì mình đã là một phần nhỏ vun đắp cho mối quan hệ này.
Sinh viên văn hóa chụp hình giao lưu với các bạn Nhật Bản
Khoảnh khắc cùng thầy, cô Khoa Quản lý văn hóa, Nghệ thuật
Bài : Huỳnh Công
Ảnh: Tấn Thành