CHUYẾN ĐI PHÚ QUỐC CỦA KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ KIẾN THỨC ĐẠI CƯƠNG
Nguyễn Hoàng Minh
Sau hơn một giờ bay đoàn cán bộ giảng viên của khoa Lý luận chính trị và kiến thức đại cương đã đặt chân đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, hòn đảo lớn nhất Việt Nam từng được mệnh danh là “Đảo Ngọc”, “Thiên đường nhiệt đới của Châu Á”.
Nằm phía Tây Nam Tổ quốc, cách Hà Tiên 50 km cách Rạch Giá 120 km, cách đất liền Cam puchia nơi gần nhất khoảng 8 km, Đảo Phú Quốc với diện tích khoảng 600 km2, tương đương với đảo quốc Singapore, Phú Quốc có địa hình rất đa dạng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là căn cứ xưa kia của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực chống Pháp…
Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc với Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, Phú Quốc trở thành địa điểm xây dựng trại giam của giặc: Căng Cây Dừa (1953 - 1954), trại Huấn chính Cây Dừa (1955 - 1957) và Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (1967 - 1973) bởi Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, xa khu dân cư, chúng có thể mặc sức dùng mọi thủ đoạn tra tấn, áp bức tù binh mà không bị dư luận lên án …
Đến thăm Phú Quốc mọi người có thể lên rừng, xuống biển, leo đèo, lội suối hoặc rong ruổi trên vùng đồng bằng mà ngắm nhìn đàn hải âu đang bay về phía trời xa. Muốn khám phá Phú Quốc, mọi người có nhiều lựa chọn với các dịch vụ như thuê tàu –xe trên bờ dưới biển để ngắm nhìn biển – trời – mây – nước – núi rừng.…Phú Quốc lãng mạng và đẹp tựa như tranh vẽ, cùng với những di tích lịch sử văn hóa của mình, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách muôn nơi.
Với chúng tôi chuyến hành trình đến hòn đảo xinh đẹp này không chỉ là du lịch để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một bộ phận Tổ quốc mà mục tiêu chính là để tìm hiểu cuộc đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng tại “địa ngục trần gian” nhà tù Phú Quốc (hay còn gọi là Trại giam tù binh Phú Quốc), nơi khắc sâu tội ác tày trời của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, trại giam tù binh Phú Quốc hoạt động từ năm1967 và tồn tại cho đến ngày Hiệp định Paris được ký kết. Đây là trại giam lớn nhất của Mỹ - ngụy ở miền Nam Việt Nam, nơi chúng giam cầm 40.000 ngàn lượt chiến sỹ cách mạng, nơi thấm đẫm máu đào của gần 4.000 liệt sĩ và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ cộng sản đã vượt qua cái chết, tiếp tục chiến đấu đến ngày chiến thắng 30/4/1975 và đây cũng chính là nơi mà các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trận tuyến đặc biệt để bảo vệ lý tưởng cách mạng, lý tưởng của Bác Hồ kính yêu.
Nơi ghi lại tội ác của chế độ Mỹ - Ngụy tại Phú Quốc
Tại nhà tù Phú Quốc, mỗi một chiến sỹ cách mạng, chiến sĩ cộng sản khi bị kẻ thù đưa đến đây đều phải chịu những cực hình vô cùng dã man vô nhân tính của những tên “đao phủ” thời hiện đại, tay sai của ngoại bang.
Bằng mọi thủ đoạn hèn hạ và cách tra tấn hành hạ dã man như thời trung cổ, kẻ thù âm mưu làm cho những chiến sỹ cách mạng, chiến sĩ cộng sản không chỉ đau đớn về thể xác mà còn suy sụp về tinh thần từ đó mất ý chí chiến đấu mà khuất phục, đầu hàng chúng từ bỏ lý tưởng cách mạng.
Thế nhưng trước mọi hoàn cảnh những chiến sỹ cách mạng, chiến sĩ cộng sản trước sau vẫn giữ trọn chí khí, giữ trọn niềm tin về Đảng, cương quyết đấu tranh với kẻ thù đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phú Quốc từng bước vươn lên và phát triển nhanh chóng khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Sân bay, bến cảng, khu du lịch nghỉ dưỡng và các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hoá luôn nhộn nhịp.
Đứng trước Nhà tù Phú Quốc, nhìn lên không gian ngát xanh của những cánh rừng soi bóng xuống mặt nước biển xanh biếc, tôi lại nghĩ về một thời oanh liệt và bi tráng của lớp lớp những người anh hùng đã quyết tử với kẻ thù vì nền độc lập của dân tộc. Chúng tôi thế hệ hôm nay và cả thế hệ mai sau xin hứa sẽ không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên hòn đảo này.
Cùng dâng hương tưởng niệm, tri ân những liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng đã nằm xuống trên mảnh đất Phú Quốc và được nghe thuyết minh và tận mắt nhìn những kiểu tra tấn cực kỳ man rợ, tàn ác của chế độ Mỹ, ngụy đối với các chiến sĩ tù binh cộng sản, như nhốt tù binh vào “chuồng cọp” bằng dây kẽm gai, đập vỡ mắt cá chân, dùng ván và đinh ốc ép cho vỡ lồng ngực; dùng kềm rút móng chân, móng tay; móc mắt hoặc dùng đèn pha công suất lớn rọi thẳng vào mắt đến mù lòa; đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, nhận nước hoặc ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống,... mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi tràn ngập với bao cảm xúc đau đớn, căm giận kẻ thù và cảm phục sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước. Riêng tôi, tự nhủ bằng trái tim, khối óc của mình sẽ cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ của mình để không phụ lòng thế hệ cha anh đi trước.
Phải nói rằng, đây là chuyến đi vô cùng ý nghĩa đối với mỗi thành viên của đoàn chúng tôi. Chắc hẳn sau chuyến hành trình này, trong lòng mỗi người sẽ giữ trọn vẹn những cảm xúc về tinh thần đấu tranh hy sinh, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, những người cộng sản thuở trước và tình yêu quê hương, đất nước sẽ sâu đậm hơn trong lòng mỗi người, bởi mỗi tấc đất quê hương đều thắm đượm biết bao máu, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ cha anh đi trước. Tình yêu đó ấy sẽ thúc giục mọi người cùng phấn đấu, đoàn kết, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác Hồ kính yêu mong ước./.