CHỦ TRƯƠNG MỞ CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY
MẬU THÂN 1968 CỦA ĐẢNG
ThS. Nguyễn Quốc Hùng*
1. Nghị quyết 15 và phương án tiến hành chiến tranh cách mạng.
Việc ký kết và thi hành Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương làm so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi không có lợi cho cách mạng Việt Nam. Mỹ vào thay chân Pháp, thi hành chính sách thực dân mới, nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt thân Mỹ, nằm trong “thế giới tự do”, đối lập với “phe cộng sản”. Từ chỗ là kẻ thù tiềm tàng, Mỹ trở thành đối tượng trực tiếp của cách mạng Việt Nam.
Từ giữa năm 1956, phong trào đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam ngày càng quyết liệt. Cuộc đấu tranh gay go, ác liệt nhất là chống “tố cộng”. Để giữ gìn lực lượng và duy trì hoạt động trong điều kiện quân thù khủng bố dã man, các đảng bộ ở miền Nam đã sắp xếp lại tổ chức và rút vào hoạt động bí mật. Nhiều địa phương đã chủ trương “điều” (cán bộ đã bị lộ đi hoạt động ở địa phương khác) và “lắng” (cán bộ tạm thời rút vào hoạt động bí mật), kiên trì bám dân, bám đất, lãnh đạo phong trào. Cán bộ và nhân dân miền Nam đã phấn đấu kiên cường và hy sinh vô cùng anh dũng. Sôi nổi, mạnh mẽ và rộng rãi nhất là phong trào chống quân dịch, chống bắt lính. Nhiều nơi quần chúng tranh thủ được sự đồng tình của binh lính tại ngũ. Có nơi quần chúng kéo hàng ngàn người lên huyện, tỉnh đấu tranh. Giằng co, gay go, quyết liệt là phong trào đấu tranh chống địch đuổi làng, chiếm đất, dồn dân để lập căn cứ quân sự, làm đường chiến lược, hoặc phá căn cứ cũ của ta. Phổ biến, bền bỉ và liên tục là phong trào đấu tranh cho những quyền lợi dân sinh, dân chủ hàng ngày. Ở thành thị quần chúng đấu tranh chống khủng bố nghiệp đoàn, chống sa thải; đòi tăng lương, cải thiện chế độ làm việc; đòi hạn chế ngoại hóa, bảo vệ nội hóa, đòi thực hiện chương trình học bằng tiếng mẹ đẻ, chống văn hóa nô dịch. Ở thôn quê có những cuộc đấu tranh chống cướp đất, tăng tô thuế, luật lệ hà khắc...
Từ năm 1958, kẻ thù càng tăng cường khủng bố, liên tiếp mở tiếp các cuộc hành quân càn quét, dồn dân quy mô lớn vào các trại tập trung, giết hại hàng ngàn cán bộ cách mạng và đồng bào yêu nước ở trại giam Phú Lợi (Thủ Dầu Một) (1-12-1958). Ngô Đình Diệm tuyên bố “đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh” (3-1959), ra luật 10-59 (6-5-1959), lê máy chém khắp miền Nam. Tòa án quân sự đặc biệt của chúng đưa thẳng người bị bắt ra xét xử và bắn tại chỗ.
Những khó khăn và tổn thất của ta ở miền Nam kéo dài trong 4 năm, nhất là hai năm 1957 và 1958 “chủ yếu là do về mặt chỉ đạo đấu tranh cách mạng, Đảng ta chưa tìm ra được phương pháp và hình thức thích hợp để quần chúng chống trả địch một cách có hiệu quả”[1]. Mặc dù Nghị quyết của Bộ Chính trị (6-1956) đã xác định đấu tranh chính trị “không có nghĩa là tuyệt đối không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định...”[2].
Tháng 1-1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị 15 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Hội nghị đã xác định: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân... lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”[3]. Tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền là một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, phải tích cực xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng cách mạng thì mới có thể có điều kiện nắm lấy thời cơ thuận lợi và giành lấy thắng lợi cuối cùng. Nghị quyết dự báo thêm rằng, đế quốc Mỹ là tên đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ. “Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh sẽ chuyển sang một cục diện mới: đó là chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch, và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”[4].
Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã làm lung lay tận gốc rễ bộ máy chính quyền của chủ nghĩa thực dân mới, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên làm chiến tranh cách mạng. Đó là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về chất của phong trào cách mạng miền Nam.
Phải đứng lên như thế nào, bằng phương thức gì để đối phó với kẻ thù mới, trong một hoàn cảnh lịch sử mới là một câu hỏi lớn đối với những người hoạch định chiến lược của Đảng cũng như nhân dân miền Nam Việt Nam. Nghị quyết 15 của Đảng đã góp phần giải đáp cho câu hỏi lớn đó. Bạo lực cách mạng trong Đồng khởi 1959-1960 đã tháo nút thắt trong việc hoạch định chiến lược “sống mái” với kẻ thù cho cách mạng miền Nam, đưa cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tiến lên tiêu diệt kẻ thù, thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Con đường dẫn đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.
Tháng 3-1965, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam bằng phương thức đưa quân viễn chinh Mỹ cùng quân Đồng minh trực tiếp tham chiến. Quy mô và cường độ cũng như tính chất của cuộc chiến thay đổi, ác liệt và cam go gấp bội phần. Khi buộc phải đối mặt với các loại hình chiến tranh do cường quốc số 1 của thế giới phát động chống nhân dân Việt Nam, thì vấn đề có dám đối đầu với Mỹ hay không là một vấn đề nan giải vào những năm 60 của thế kỷ XX, gây tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà cả hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Đế quốc Mỹ trong những năm 60 của thế kỷ trước “là một cái gì đó” rất ghê gớm đối với nhân dân thế giới, và điều đó không tránh khỏi ảnh hưởng đến quân và dân Việt Nam. Năm 1965 khi Mỹ trực tiếp đem quân tham chiến ở miền Nam Việt Nam và sau đó dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, cả thế giới như nín thở và lo lắng cho Việt Nam. Tình hình chiến trường đặt ra một loạt câu hỏi: Phải chăng tương quan lực lượng đã thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ và Việt Nam Cộng hòa; Phải chăng ta phải thay đổi phương châm chỉ đạo, không thể tiếp tục tấn công mà phải quay về phòng ngự; Mỹ có hỏa lực mạnh, cơ giới nhiều, biên chế đầy đủ, ta đánh cách nào, có thể tiêu diệt được không…?
Trước những âm mưu và thủ đoạn mới của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã trở thành mục tiêu, lẽ sống của quân dân cả nước. Khẩu hiệu “tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” đã được phổ biến khắp các địa phương miền Nam[5]. Khi quân Mỹ ồ ạt kéo vào Miền Nam, lực lượng vũ trang quân giải phóng chẳng những không bị đẩy lùi về phòng ngự chống đỡ mà trái lại, đã chủ động tiến công một số đơn vị quân Mỹ nhằm tìm hiểu khả năng thực tế quân Mỹ để tìm ra cách đánh phù hợp. Ngay trong năm 1965, với thắng lợi của Quân giải phóng Miền Nam ở trận Núi Thành (3-1965), Vạn Tường (8-1965) và chiến dịch Plâyme (11-1965)… đã làm nức lòng cả nước.
Quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết Trung ương 12, Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã lãnh đạo quân và dân miền Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới, tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tháng 6-1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đảng Lao động Việt Nam tính toán một chiến lược có ý nghĩa quyết định, tạo bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Bộ Chính trị đã hoạch định một trận đánh nhằm gây tiếng vang lớn “Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị”, tạo đột phá cho chiến tranh, nhằm buộc Hoa Kỳ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán. Theo đó, nếu không tranh thủ thời cơ, đi sớm một bước thì sang năm 1968, cách mạng miền Nam sẽ gặp bất lợi lớn khi quân đội Mỹ, dưới áp lực của dư luận nước Mỹ, buộc phải dốc toàn lực thực hiện một hành động quân sự lớn để phá vỡ thế bế tắc và kết thúc chiến tranh theo cách Mỹ muốn. Mặt khác, năm 1968 cũng lại là năm bản lề trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi mà các mâu thuẫn chính trị tại Mỹ bị đẩy lên cao và dư luận Mỹ đặc biệt quan tâm tới tình hình thời sự chính trị.
Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp quyết định thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1-1968) hạ quyết tâm chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”[6]. Mục tiêu chiến lược của tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhằm tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, còn ta thì bảo vệ được miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đạt được những mục tiêu trước mắt của cách mạng miền Nam là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất đất nước.
“Cuộc tổng công kích - Tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất mãnh liệt và phức tạp”[7], giai đoạn đó dài hay ngắn tùy thuộc vào sự cố gắng chủ quan của ta và sự đối phó của địch. Tuy nhiên trong tình hình địch đã chuyển vào thế bị động, phòng ngự và đang tiến thoái lưỡng nan về chiến lược thì “những cố gắng chủ quan và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của ta có tác dụng quyết định trực tiếp”. Để rút ngắn thời gian tổng công kích, tổng khởi nghĩa, việc chọn hướng tiến công chiến lược giữ vai trò quan trọng. Bộ Chính trị quyết định: Một mặt, phải “sử dụng tốt nhất lực lượng vũ trang của ta, căng địch ra khắp các chiến trường, phải biết điều động lực lượng quân sự của địch ra các chiến trường quan trọng, sử dụng những quả đấm mạnh đánh quỵ các binh đoàn chủ lực của địch, đồng thời biết kịp thời phản công tiêu diệt địch, bẻ gẫy các cuộc phản công của chúng”. Đó là phương hướng tấn công của bộ đội chủ lực. Mặt khác, “đòn chính của ta là phải nhằm vào các đô thị quan trọng, kết hợp lực lượng xung kích về quân sự với lực lượng chính trị của quần chúng ở các đô thị và những vùng nông thôn kế cận vùng dậy đánh sập các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy, đánh phá các hậu cứ của địch, các cơ sở hậu cần, các trung tâm thông tin, phương tiện giao thông vận tải chiến lược của địch là những yếu tố vật chất không thể thiếu được trong bản thân sức mạnh của quân đội chính quy và hiện đại của Mỹ. Đồng thời kêu gọi binh lính địch đứng lên phản chiến cùng nhân dân khởi nghĩa. Đó là đòn ác liệt nhất, đánh vào óc, tim, mạch máu của địch, cũng là cách tốt nhất để phối hợp ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, để tiêu diệt nhiều nhất sinh lực địch, làm sập chỗ dựa chính trị của địch và đè bẹp ý chí xâm lược của chúng”[8].
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân miền Nam như đã diễn ra theo đúng chủ trương và kế hoạch của Đảng vào đầu năm 1968 đã giáng đòn bất ngờ và quyết liệt vào ý chí xâm lược của Mỹ.
Có thể hói, sau “Đồng khởi” năm 1960, Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968 làm rung chuyển nước Mỹ là một trong những mốc son lịch sử, sự kiện mở đầu cho chuỗi thắng lợi liên tiếp của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tết Mậu Thân 1968 không chỉ là đòn quyết định buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán mà còn là cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân vào mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhấtđất nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996,
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước (1954-1965), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng về chống Mỹ, cứu nước (1966-1975), tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
7. Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
9. Tổng tập Nguyễn Chí Thanh, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2013
10. Vũ Kỳ: “Bác Hồ với Tết Mậu Thân năm ấy”, Báo Văn Nghệ, số Tết Mậu Dần, 1998.
11. David Richard Palmer: Summons of the Trumpet, Nxb. Presido Press, California, 1978.
12. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Những mốc son lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.
13. Phạm Thị Nhung: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 – Một mốc son có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn, website .
14. Kết luận của Bộ Chính trị họp ngày 2 3-4-1994, số 215 – BBK/BCT.
* Khoa LLCT&KTĐC
[1] Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 43.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 17, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 2002, 225.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 20, sđd, tr. 82.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 20, sđd, tr. 85.
[5] Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.605-606
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng về kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1966-1975), tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.194.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng về kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1966-1975), tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.195.
[8] [8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng về kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1966-1975), tập 29, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.197-198.