Ngày 09 tháng 04 năm 2017, Phòng Quản lý khoa học – Hợp tác quốc tế, trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi giao lưu với sinh viên đến từ trường Curro Aurora, Nam Phi. Chương trình giao lưu nằm trong khuôn khổ hoạt động thường niên của trường Curro Aurora với mục đích nâng cao ý thức về việc bảo vệ tê giác. Buổi giao lưu đã thu hút sự tham gia của hơn 20 bạn sinh viên trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và 30 giảng viên, học viên của trường Curro Aurora.
(Sinh viên trường Curro Aurora và Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM trong buổi giao lưu)
Được biết, Nam Phi là quốc gia sở hữu tới 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới tuy nhiên chỉ trong năm 2014 có đến 1,215 cá thể tê giác bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các nước Châu Á trong đó có Việt Nam, tăng gần 100 lần so với năm 2007. Tại Việt Nam, cá thể tê giác cuối cùng đã bị giết năm 2010 để lấy sừng. Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm nữa nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời.
Để nâng cao ý thức của cộng đồng, nhất là các bạn học sinh, sinh viên, hằng năm trường Curro Aurora đề tổ chức chương trình tuyên truyền về vấn đề bảo vệ tê giác. Năm 2017, đoàn trường Curro Aurora đã đi khắp Việt Nam để chia sẻ về vấn nạn săn bắt tê giác tại Nam Phi và công dụng thực của sừng tê giác để nâng cao ý thức của mọi người trong việc chung tay bảo vệ tê giác.
Qua buổi giao lưu, sinh viên đã có thêm kiến thức về nạn săn bắt tê giác đang diễn ra cũng như tự nâng cao ý thức của bản thân trong việc bảo vệ tê giác. Thực tế, sừng tê giác do chất sừng karatin tạo ra, một chất sừng có ở tóc và ở móng tay người. Vì vậy, sử dụng sừng tê giác hoàn toàn không có tác dụng chữa ung thư như nhiều người nghĩ, mà đó chỉ là việc “ăn tóc và móng tay”.
(Sinh viên chăm chú nghe chia sẻ về vấn nạn săn tê giác để lấy sừng)
Bên cạnh đó, đại diện đội công tác xã hội trường Đại học Văn hóa Tp.HCM, sinh viên năm 3 khoa Du lịch, Phạm Trịnh Đình cũng đã có những chia sẻ về việc những hoạt động xã hội thiết thực trong việc nâng cao trách nhiệm xã hội của sinh viên đối với các vấn đề như: người vô gia cư, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã…
(Sinh viên Phạm Trình Định chia sẻ về các hoạt động xã hội tại trường Đại học Văn hóa Tp.HCM)
Chương trình giao lưu không chỉ là nơi để sinh viên gặp gỡ và làm quen với những người bạn mới, tiếp xúc với nền văn hóa mới mà còn là diễn đàn để sinh viên có thêm cái nhìn về những vấn đề khác của xã hội, làm phong phú thêm kiến thức, kỹ năng sống của sinh viên, giúp sinh viên có thể hòa nhập với thế giới phẳng ngày một tốt hơn./.
Tin và ảnh: Hoàng Thi
(Tôn Long Hạ - BBT Website, cập nhật)