Chiều thứ 2 (23/4) vừa qua tại hội trường C, cơ sở 1, trường Đại học Văn hóa TP.HCM, chương trình nghệ thuật “Ba nốt tình” do sinh viên lớp ĐH QLVH 9/3 dàn dựng trong môn học Đạo diễn chương trình do Th.S Trịnh Đăng Khoa và Nguyễn Thị Thu Trang giảng dạy đã được diễn ra.
Với 3 chương mang từng màu sắc riêng biệt: chương 1 với nội dung nói về tình cảm và đạo lý vợ - chồng, chương 2 với một góc nhìn khác về chiến tranh tình yêu trong thời chiến vẫn lãng mạn, da diết nhưng vẫn trong mạch chung đó là tình yêu quê hương đất nước, chương 3 nói ề tình yêu trong thời hiện đại khi trong giai đoạn hiện nay. “Ba nốt tình” – một chương trình được dàn dựng theo mỗi chủ đề âm nhạc là một hình thức phù hợp đi kèm từ dân ca, truyền thống cách mạng đến nhạc nhẹ, trữ tình. Mở đầu là giai điệu dân ca da diết mang tên Vọng hoài lang gồm các tiết mục Dạ cổ hoài lang (hợp ca – múa), Bến đợi (múa), Ai xuôi vạn lý (đơn ca) và Đêm gành hào nhớ điệu hoài lang (đơn ca – múa).
Từng tiết mục được sắp xếp mạch lạc theo dòng cảm xúc của đạo nghĩa vợ chồng thời xưa. Theo đó, từ giai điệu da diết, tiếng lòng của bao thế hệ người Việt, các sinh viên lớp QLVH 9/3 đã học hỏi để kết hợp ca múa nhạc với cách thiết kế sân khấu, dàn dựng âm thanh – ánh sáng nhằm dẫn dắt khán giả vào nhịp thở của câu chuyện.
Biên đạo múa Võ Nguyễn Thành Nhân chia sẻ: “Đem đến hơi thở mới với một câu chuyện cũ là điều không dễ. Khó nhất vẫn là tạo được sự liền mạch trong cảm xúc để gây ấn tượng cho khán giả ngay từ ban đầu”.
Nối tiếp, phần 2 mở đầu với ca khúc Màu hoa đỏ, giai điệu rực lửa dựng lên hình tượng người anh hùng Việt Nam bất khuất trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Từ đó, hình tượng hoa đỏ tượng trưng cho màu tình yêu, màu máu, màu của niềm tin và chiến thắng của dân tộc đã hòa nhịp với lời ca, điệu múa và rực cháy cảm xúc trong trái tim của đông đảo thầy cô, sinh viên trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
Sau đó, tâm trạng lớp lớp thanh niên đáp lời sông núi, lên đường bảo vệ quê hương, bỏ lại tình yêu thời thanh xuân đã được gói lại qua nhạc phẩm Kỷ niệm, sáng tác của Phạm Duy. Màu áo trắng, màu hoa đỏ và màu áo lính tiếp tục bám sát tinh thần cách mạng nhiệt huyết, tình yêu kiên cường thời chiến của chương trình. Tiếp nối cảm xúc tự hào, khí thế từ tiết mục Dậy mà đi (hợp ca – múa) là tình yêu dịu dàng, lãng mạn trong giai đoạn lịch sử kháng chiến ác liệt qua lời ca Tình em và Nhịp cầu nối những bờ vui.
Tình yêu vẫn đầy ắp trong chương trình, xuyên suốt và nối kết đến phần cuối với các tiết mục như Đường xa ướt mưa, Cơn mưa tình yêu, Mưa ngâu và tiểu phẩm kịch Ngược chiều hạnh phúc. Phong cách nhạc nhẹ không thể làm khó các sinh viên ĐH QLVH 9/3, vốn là những ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp. Cách trình diễn trẻ trung, tình tứ đã vẽ nên bức tranh thanh xuân của chương trình và mang đến những cảm xúc mới lạ cho khán giả. Từng ánh mắt, từng chiếc nắm tay của các sinh viên năm 4 qua từng khúc hát tình ca đã không còn ngại ngùng, bỡ ngỡ. Họ đang đắm mình trong cơn mưa tình yêu và thanh xuân cuối cùng trên giảng đường đại học, nhiệt huyết, rực lửa lần cuối sau 4 năm bên nhau.
Sau buổi biểu diễn đầy “cam go” tại mái trường Đại học Văn hóa TP.HCM, lớp ĐH QLVH 9/3 đã sẵn sàng viết tiếp hành trình cuối cùng với chuyến đi lưu diễn tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Ninh Hải, tỉnh Bình Thuận vào tối ngày 26/4. Với sự đồng hành và hướng dẫn của Th.S Huỳnh Công Duẩn trong học phần Tổ chức biểu diễn, chương trình có niềm tin sẽ tiếp tục rực cháy tinh thần học tập của khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật. Chương trình giao lưu sẽ diễn ra vào lúc 19h00 ngày 26/4/2018 tại trung tâm văn hóa Ninh Hải, Ninh Thuậ. Chương trình giao lưu còn có phần tham gia biểu diễn của Trung tâm văn hóa Ninh Hải và Lữ Đoàn Đặc công Nước 5.
Một số hình ảnh trong chương trình
Thạc sĩ Trịnh Đăng Khoa kiểm tra sân khấu trước buổi công diễn
THÀNH NHÂN
Ành: Thánh Mỹ - HCD
Biên tập: HCD